Câu hỏi được đặt ra là vì sao ngân hàng này liên tiếp công bố mua vào cổ phiếu của mình, khi nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng, cần nguồn tài chính dự trữ để đảm bảo an toàn hoạt động?
Cụ thể, từ ngày 2-31/12, ACB dự kiến sẽ mua vào tối đa gần 17,5 triệu cổ phiếu của mình thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nguồn tiền giao dịch sẽ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (hơn 209 tỷ đồng).
Giá mua dự kiến trong khoảng 12.000 - 19.000 đồng/CP. Với khối lượng và mức giá dự kiến như trên, ACB phải chi từ 210 - 332 tỷ đồng để thực hiện giao dịch. Đồng thời, Ngân hàng cũng công bố khối lượng cổ phiếu mua vào tối thiểu trong đợt này là trên 523.000 cổ phiếu, tương ứng 3% khối lượng cổ phiếu đăng ký mua lại.
Trước đó, vào tháng 4/2014, ACB đã đăng ký mua lại tối đa hơn 33,8 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, nhưng trong khoảng thời gian từ 24/3 - 23/4, ACB chỉ mua vào 11,7 triệu cổ phiếu, với giá giao dịch bình quân là 16.743 đồng/CP. Nguyên nhân không mua hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký, được Ngân hàng giải trình, là do biến động giá không phù hợp.
Tính đến thời điểm hiện tại, ACB đang nắm giữ gần 28 triệu cổ phiếu quỹ (Ngân hàng đã phải chi ra hơn 456 tỷ đồng). Nếu ACB mua được tối đa lượng cổ phiếu đăng ký lần này thì lượng cổ phiếu quỹ mà Ngân hàng nắm giữ sẽ được nâng lên con số hơn 45 triệu đơn vị.
Việc ACB liên tục mua vào cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ từng được cổ đông đem ra chất vấn Ban lãnh đạo Ngân hàng tại ĐHCĐ thường niên 2014 hồi đầu năm. Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tại sao Ngân hàng lại bỏ tiền mua cổ phiếu quỹ trong khi đang gặp khó khăn, cần phải dự trữ nguồn vốn cho các tình huống xấu, lãnh đạo ACB khi đó cho biết, việc mua cổ phiếu quỹ của Ngân hàng có hệ số an toàn vốn trên 14% và đây là khoản đầu tư triển vọng, khi cổ phiếu lên giá sẽ bán ra để thu về lợi nhuận cho cổ đông.
Thực tế cho thấy, dù đã được Fitch nâng triển vọng tín nhiệm từ "Tiêu cực" lên "Ổn định" sau khi tổ chức này cho rằng, những sức ép từ rủi ro phát sinh tại ACB xuất phát từ vụ việc của ông Nguyễn Đức Kiên đã được giải quyết hiệu quả, nhưng trong bối cảnh thị trường khó khăn, ACB không nằm ngoài xu hướng gia tăng nợ xấu. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần hợp nhất của ACB đạt 3.420,67 tỷ đồng, giảm 5,86% so với cùng kỳ.
Trong đó, lãi từ chứng khoán đầu tư đạt 2.095 tỷ đồng, tăng 9,92% so với cùng kỳ; trong khi lãi tiền gửi giảm hơn 59% cùng kỳ, đạt 225,6 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 664,39 tỷ đồng, tăng 94,76% so với cùng kỳ, do nợ xấu tăng nhẹ từ 3,03% ở thời điểm cuối năm 2013 lên 3,07% vào cuối quý III/2014. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2014 giảm 27,62% cùng kỳ, đạt hơn 1.071 tỷ đồng.
Dù cổ phiếu ngành ngân hàng được đánh giá là chưa hấp dẫn nhà đầu tư trong giai đoạn này do hoạt động kinh doanh ngân hàng vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thông tin ACB mua vào một lượng lớn cổ phiếu lớn làm giá của cổ phiếu này tăng thêm 300 đồng/CP, lấy lại mức giá 16.000 đồng/CP trong phiên giao dịch 13/11/2014.
Thực ra, chuyện DN niêm yết mua cổ phiếu quỹ để "đỡ giá" cổ phiếu không phải là chuyện hiếm trên TTCK, khi DN nhận thấy thị giá cổ phiếu đã xuống dưới giá trị thực và cổ phiếu của DN mình có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Chưa biết, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của ACB sẽ được thực hiện đến đâu, nhưng thông tin này rõ ràng đang tác động đến tích cực đến thị giá cổ phiếu ACB.
Nhìn lại lịch sử giao dịch cổ phiếu quỹ của ACB, có thể thấy, không phải bây giờ Ngân hàng mới công bố mua khối lượng lớn cổ phiếu quỹ, mà trước đó vào cuối quý II/2013, ACB cũng có động thái tương tự khi HĐQT đưa ra kế hoạch mua lại gần 55,5 triệu cổ phiếu của Ngân hàng. Sở dĩ HĐQT ACB đưa ra quyết định trên là do sau cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng lớn tới nhà băng này vào tháng 8/2012, cổ phiếu ACB niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội giảm mạnh. Tuy nhiên, kết quả, ACB chỉ mua được hơn 16 triệu cổ phiếu quỹ.
Không chỉ ACB, Eximbank từng công bố mua lại gần 62 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ vào cuối năm 2013, thời điểm mà những thay đổi về nhân sự cấp cao tại nhà băng này đang phần nào ảnh hưởng đến giá cổ phiếu EIB.
Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng khi đó khẳng định, việc đưa ra chủ trương mua lại hơn 61,77 cổ phiếu (tương ứng 5% số lượng cổ phần phổ thông) nhằm tranh thủ khi thị giá cổ phiếu đang thấp cũng là cách để giữ giá và tìm kiếm lợi nhuận. Vả lại, nguồn vốn mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ là từ nguồn thặng dư, lợi nhuận chưa phân phối. Thế nhưng, đến nay, Eximbank cũng chỉ mới mua được hơn 6 triệu cổ phiếu EIB làm cổ phiếu quỹ.