Vi phạm Thông tư 06, cổ đông sẽ mất ghế lãnh đạo ngân hàng

(NDH) Sau ngày 31/12/2015, cổ đông không tuân thủ đầy đủ giới hạn sở hữu theo Thông tư 06 sẽ không được tham gia HĐQT, ban kiểm soát hay giám đốc điều hành của ngân hàng.

Những thay đổi

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư 06 vào ngày 1/6/2015, trong đó quy định thời hạn, phương thức và quá trình chuyển đổi khi cổ đông sở hữu vượt quá mức cổ phần giới hạn. Thông tư 06 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/7/2015.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Theo Luật Tổ chức Tín dụng 2010 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, những cổ đông lớn của ngành ngân hàng phải thực hiện đúng theo quy định về giới hạn sở hữu tối đa (đối với cổ đông cá nhân là 5% cổ phần, cổ đông tổ chức là 15%, nhóm cổ đông là 20%).

Quy định này không áp dụng cho những ngân hàng thương mại cổ phần trực thuộc NHNN, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và những ngân hàng nằm dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam hiện vẫn vi phạm quy định trên.

Thông tin chính thức từ NHNN cho biết, tính đến giữa năm 2014, đã có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần có cổ đông cá nhân nắm giữ trên 5%, có 5/33 ngân hàng có cổ đông tổ chức nắm giữ trên 15% và 8/33 ngân hàng có nhóm cổ đông nắm giữ trên 20%. Mặc dù vậy, bộ phận phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định rằng số trường hợp vi phạm trên thực tế cao hơn so với báo cáo của NHNN.

Thông tư 06 quy định thời hạn cuối để các ngân hàng giải quyết những vi phạm này là ngày 31/12/2015.

Kể từ ngày Thông tư 06 có hiệu lực, các ngân hàng không được phép cho vay hoặc cung cấp các khoản tín dụng mới cho những cổ đông vi phạm quy định giới hạn sở hữu cũng như các bên liên quan của họ.

Sau ngày 31/12/2015, nếu những cổ đông vi phạm quy định giới hạn sở hữu không giải quyết hoàn tất để tuân thủ Thông tư 06, các cổ đông này sẽ bị cấm:

1- Tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát hoặc trở thành Giám đốc điều hành (CEO).

2- Tăng cổ phần.

3- Nhận số cổ tức (bằng tiền mặt) từ số cổ phần vượt quá giới hạn sở hữu.

Tác động của quy định mới

Dựa trên những thông tin công khai về cơ cấu cổ đông của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, bộ phận phân tích của SSI cho rằng các ngân hàng thương mại nhà nước như VCB, CTG, BID không vi phạm quy định về giới hạn sở hữu.

Đối với những ngân hàng thương mại cổ phần như EIB, SHB, STB và ACB, do thiếu thông tin chính xác về cơ cấu cổ đông và quan trọng nhất là về mối quan hệ giữa các cổ đông nên chưa thể kết luận các ngân hàng này có vi phạm quy định và liệu cổ đông có phải giảm cổ phần hay không.

Bộ phận phân tích của SSI tin rằng việc ban hành Thông tư 06 có mục tiêu hướng tới những ngân hàng thương mại cổ phần hóa chưa niêm yết và có cổ đông vi phạm quy định giới hạn sở hữu.

Ý nghĩa tích cực

Trong những năm gần đây, một số cổ đông lớn tại các ngân hàng đã lợi dụng sức ảnh hưởng tại các ngân hàng để có được các khoản vay. Tại Việt Nam, các ngân hàng lớn thường có xu hướng mua lại cổ phần của những ngân hàng khác và làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, hoặc cung cấp tín dụng cho các công ty liên quan, qua đó làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu.

Bộ phận phân tích công ty SSI hoan nghênh những nỗ lực của NHNN trong việc giảm tình trạng sở hữu chéo cũng như phá vỡ sự kiểm soát của những "ông trùm" ngân hàng ( banking tycoons)

"Chúng tôi tin rằng những quy định này sẽ giúp hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam trở nên hợp lý và ổn định hơn trong dài hạn" - báo cáo SSI Research cho biết.