Theo hồ sơ, năm 2009, Cty Quốc Việt, chi nhánh huyện Phú Quốc, lập DA đầu tư mua tàu chở dầu trọng tải 105.000 tấn, với số vốn đầu tư 22,3 triệu USD, tương đương khoảng 500 tỉ đồng trong đó nguồn vốn vay từ VDB Kiên Giang chiếm đến 90%.
Tàu chở dầu của Cty Quốc Việt nay biệt tăm
Để mua bán, đóng mới tàu biển, Nghị định số 29/2009 ngày 26-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi rõ tại điều 28: "Đối với DA mua, bán và đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ… quyết định đầu tư DA có vốn từ 75 tỷ đồng trở lên”. Cũng tại Nghị định này cũng ghi rõ, việc mua, bán và đóng mới tàu phải thực hiện theo nguyên tắc chào mời cạnh tranh và tổ chức đấu giá theo thông lệ quốc tế. Thế nhưng, dù không đủ thẩm quyền quyết định bởi con tàu chở dầu có giá trị đến 500 tỉ đồng, vượt mức qui định của Chính phủ nhưng khi Cty Quốc Việt lập dự án đề nghị đầu tư và vay vốn thì năm 2010, VDB Kiên Giang phát hành chứng thư bảo lãnh đồng ý DA trên.
Theo tính toán của Phòng tín dụng VDB Kiên Giang lúc bấy giờ, sau 10 năm, Cty Quốc Việt sẽ hoàn lại vốn và trả lãi đầy đủ theo quy định. Hồ sơ từ thẩm định đến duyệt cho vay có nhiều khuất tất. Tại hồ sơ thẩm định, DA đầu tư ghi nơi đóng tàu tại Nhật Bản nhưng biên bản giám định trạng thái kỹ thuật lại ghi tại Hàn Quốc. Tương tự, giấy chứng nhận đầu tư ghi trọng tải con tàu 100.000 tấn nhưng biên bản giám định trạng thái kỹ thuật là 105.000 tấn. Địa chỉ chủ tàu lại không thống nhất, lúc ghi ở Panama khi thì Hồng Kông. Thêm nữa, chưa có tài liệu chứng minh Baron & Baron PTE Ltd có đủ thẩm quyền ký kết hợp đồng với Cty Quốc Việt. Và con tàu không phải là đóng mới mà đã 12 năm tuổi.
Ngoài ra, không biết Cty Quốc Việt thỏa thuận với VDB Kiên Giang như thế nào mà khi phát hành chứng thư bảo lãnh, VDB không ghi rõ thời gian trả nợ. Mặc khác, Cty Quốc Việt trình VDB Kiên Giang hợp đồng thuê tàu không ghi cụ thể thời gian thuê để theo dõi việc thu hồi nợ và chưa đăng ký thế chấp tàu biển. VDB Kiên Giang cũng không biết chính xác giá bán con tàu là bao nhiêu? Hồ sơ giải ngân có nhiều dấu hiệu khuất tất như: Hợp đồng tín dụng ký trước ngày có thông báo chấp nhận bảo lãnh; số tiền giải ngân vượt quá quy định; Tờ khai hàng hoá nhập khẩu sao y chưa đúng quy định phù hợp với lịch thanh toán tàu; Hồ sơ pháp lý, Cty Quốc Việt ghi thời gian lập dự án tháng 12-2010 nhưng tại DA đầu tư ghi tháng 12-2009. Bên cạnh đó, việc mua tàu không có biên bản họp cổ đông.
Cùng có còn một điều hết sức lạ lùng là khi thanh toán tiền mua tàu, VDB không trả trực tiếp cho bên bán mà chuyển qua tài khoản trung gian tại Singapore. VDB vì không theo dõi được hoạt động kinh doanh của con tàu nên chỉ sau hơn 1 năm họat động, đến năm 2011, Cty Quốc Việt kêu lỗ và yêu cầu thanh lý để thu hồi nợ. Theo biên bản kiểm tra xử lý tàu năm 2011, các bên xác định lại nếu thanh lý con tàu này thu hồi nợ bán chưa được 9 triệu USD, tương đương 180 tỷ đồng, lỗ mất gần 400 tỉ đồng , sau gần 2 năm hoạt động. Sau hơn 1 năm hoạt động kể từ khi được VDB Kiên Giang bảo lãnh bằng chứng thư thì lãi suất tăng lên hơn 100 tỷ đồng nhưng Cty Quốc Việt không trả nợ. Sau nhiều lần gia hạn vẫn không được thanh toán, VDB Kiên Giang đã xác nhận nợ của Cty Quốc Việt lên đến hơn 600 tỷ đồng.
Trước món nợ 600 tỉ đồng, tháng 6-2012, VDB Kiên Giang đã có cuộc họp với Cty Quốc Việt để thống nhất các hướng xử lý với khoản nợ lãi phát sinh chưa trả. Theo đó, VDB Kiên Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp số tiền bằng 1/3 số lãi cho doanh nghiệp để thực hiện việc trả lãi trong hai năm 2013 và năm 2014).
Tuy nhiên, điều mà cán bộ, nhân dân Kiên Giang hết sức quan tâm là con tàu nay đã đi đâu, về đâu? Lãi không đóng, nợ không trả, con tàu thì biệt tăm, Nhà nước có thể mất trắng gần 400 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Ngân hàng phát triển Việt Nam và các cơ quan chức năng có biết?