VCSC: Thu hồi nợ xấu sẽ không cải thiện trừ khi có khung pháp lý phù hợp

(NDH) Các quy định hiện hành trong một số lĩnh vực như BĐS vẫn hạn chế sự tham gia của NĐTNN. khiến cơ hội tiếp cận thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa rộng mở đối với toàn bộ nhà đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 14/2015/TT-NHNN vào ngày 28/8 bổ sung và sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý các khoản nợ xấu được mua. Ngoài việc phát hành trái phiếu đặc biệt trước đó, Thông tư mới này đưa ra quy định mới liên quan đến trái phiếu do VAMC phát hành nhằm mua nợ thấp hơn giá thị trường (VCSC gọi đây là “Trái phiếu VAMC thế hệ thứ hai”); điều chỉnh quy định về dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt hiện tại của VAMC; quy định tái cơ cấu nợ và bán nợ xấu của VAMC. Thông tư này nhằm đẩy nhanh việc hình thành thị trường buôn bán nợ đồng thời cũng nới lỏng quy định trích lập dự phòng cho các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao. Ngày có hiệu lực là ngày 15/10/2015.

Những thay đổi quan trọng trong Thông tư 14 bao gồm:

Cơ chế mới cho phép Trái phiếu VAMC thế hệ thứ hai được sử dụng để mua nợ thấp hơn giá trị sổ sách

Cơ chế cũ: VAMC chỉ có thể mua nợ thấp hơn giá trị sổ sách bằng những phương pháp khác ngoài phương pháp phát hành trái phiếu VAMC đặc biệt.

Cơ chế mới (Giao dịch không giới hạn): ngoài quy định ở trên, Trái phiếu VAMC thế hệ thứ 2 có thể được giao dịch giữa các tổ chức tín dụng hoặc với NHNN.

Hệ số rủi ro ưu đãi cho trái phiếu: hệ số rủi ro là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đối với Trái phiếu VAMC thế hệ thứ hai so với mức 20% của trái phiếu VAMC đặc biệt thế hệ thứ nhất.

Mức dự phòng bằng 0 cho Trái phiếu VAMC thế hệ thứ hai nhưng các ngân hàng phải chịu mức xóa nợ lớn hơn khi bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách.

Trái phiếu VAMC có thể được sử dụng trong nghiệp vụ thị trường mở hoặc cho mục đích tái cấp vốn tương tự như trái phiếu đặc biệt thế hệ thứ nhất. Thời hạn của trái phiếu này là từ 1 năm trở lên, và có thể gia hạn thêm 3 năm so với thời hạn ban đầu trừ khi được đồng ý thỏa thuận khác bởi trái chủ.

Điều chỉnh đối với trái phiếu đặc biệt “thế hệ thứ nhất” do VAMC phát hành

Nới lỏng quy định đối với hoạt động dự phòng và kỳ hạn dành cho trái phiếu đặc biệt “thế hệ thứ nhất”: Các trái phiếu này vẫn bị hạn chế giao dịch tự do trên thị trường.

Trái phiếu đặc biệt “thế hệ đầu” của VAMC có kỳ hạn 5 năm nhưng có thể được gia hạn lên tối đa 10 năm nếu các tổ chức tín dụng gặp khó khăn tài chính hoặc đang thực hiện tái cơ cấu. Về hoạt động dự phòng, tổ chức tín dụng được quyền quyết định chi phí dự phòng hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt với điều kiện dự phòng được trích lập đầy đủ trong vòng 5 ngày trước khi trái phiếu đặc biệt đáo hạn.

Điều này có nghĩa là chi phí dự phòng và lợi nhuận ròng tương ứng nằm trong tầm kiểm soát của tổ chức tín dụng.

Theo cơ chế này, VAMC có thể quyết định giá thị trường của nợ, giữ quyền sở hữu trực tiếp tài sản thế chấp và chủ động hơn trong việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các quy định hiện hành trong một số lĩnh vực như BĐS vẫn hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, khiến cơ hội tiếp cận thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa rộng mở đối với toàn bộ nhà đầu tư.

Vì vậy, VCSC cho rằng tình hình thu hồi nợ xấu sẽ không có sự cải thiện đáng kể trừ khi có khung pháp lý phù hợp.

VAMC đề ra mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ mua lại 500-700 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và xin phép NHNN tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thu hồi nợ xấu đến nay còn khá chậm (chỉ thu hồi được 6.500 tỷ đồng trong khi có 142.000 tỷ đồng cần mua lại).