Mới đây NHNN có chủ trương khuyến khích các NH cho vay tín chấp. Đồng thời đề nghị các NH xếp hạng tín nhiệm DN, xếp hạng tín dụng nội bộ để gia tăng cho vay tín chấp.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực thì đây là hướng mở tốt cho khách hàng có quan hệ tín dụng tốt với NH. Lâu nay, khách hàng tốt vẫn phải có tài sản đảm bảo thế chấp tại NH, nhưng với cơ chế mở này có thể không cần nữa. Chủ trương này nhận được rất nhiều sự đồng tình từ phía các DN, nhưng các NH vẫn khá dè dặt.
Theo phản ánh từ một DN FDI lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương, dù đang là khách hàng cũ của NH nhưng DN này vẫn đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp. Trong khi đó, quy định của "công ty mẹ" tại nước ngoài không cho phép thế chấp tài sản để vay vốn vì không đúng với quy định của nội bộ công ty. Nếu thời gian tới, NH không cho vay theo tín chấp, hoặc vay theo dòng tiền tương lai thì DN này sẽ không vay vốn từ NHTM của Việt Nam mà có thể vay vốn của NH nước ngoài.
Các NH nói sao về điều này? Phó tổng giám đốc VietinBank - ông Phạm Huy Thông cho biết, VietinBank không đòi hỏi tài sản đảm bảo khi DN FDI muốn vay vốn. Đối với các DN FDI, yêu cầu đầu tiên của NH là phải có sự bảo lãnh của công ty mẹ để đảm bảo cho các khoản vay. Thực tế, có thể các NH chần chừ cho DN FDI vay chủ yếu cơ chế chuyển giá chưa quản lý được. Đây là yếu tố rủi ro nhất của DN FDI.
"Nếu không có gì bảo lãnh, cam kết cho NH trong trường hợp DN báo lỗ, rút vốn về không hoạt động nữa thì NH rất rủi ro", ông Thông chia sẻ thêm. Lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương cho rằng, các NH cũng cần quan tâm hơn khi duyệt hồ sơ đề nghị vay bằng tín chấp đối với những DN FDI hoạt động tốt, có đóng góp nhiều ngân sách cho địa phương.
Thực ra bản chất cho vay có tài sản đảm bảo là đề phòng trường hợp khách hàng không trả được nợ và việc xử lý tài sản đảm bảo là biện pháp cuối cùng của NH khi cho vay vốn. Quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đây là điều nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ nhiều năm nay.
Vì sao ở nước ngoài cho vay tín chấp hiệu quả? Theo TS. Lực, vì các DN ở các quốc gia trên phải cung cấp thông tin đầy đủ về tài chính, minh bạch phương án kinh doanh nên khi NH xem xét cấp tín dụng có thể kiểm chứng thông tin chính xác hơn. Còn tại Việt Nam thì khó có thể làm thế được. Không phải vì NH không đánh giá được năng lực tài chính của DN, vấn đề quan trọng theo ông Lực là do môi trường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phức tạp. khi xảy ra rủi ro thì các bên đùn đẩy trách nhiệm, NH không biết túm vào đâu để xử lý. Đặc biệt, cách giải thích cũng như quy kết trách nhiệm theo xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng khiến các lãnh đạo NHTM "chùn tay" khi quyết định cho vay tín chấp.
Để đẩy mạnh cho vay tín chấp, TS. Lê Thành Trung - Phó Tổng giám đốc HDBank cho rằng, cùng với việc các NH tăng cường quản trị điều hành của mình theo đúng chuẩn quốc tế thì việc không gượng ép hình sự hóa các rủi ro xảy ra trong các hợp đồng tín dụng NH rất quan trọng.
Theo ông Trung, bản chất của việc cấp tín dụng là quan hệ dân sự giữa bên cho vay và bên vay, phụ thuộc hoàn toàn thỏa thuận giữa hai bên. Nếu NH thấy DN hoạt động tốt, phương án kinh doanh khả thi và NH có đủ biện pháp quản lý dòng tiền DN thì lúc đó vấn đề tài sản thế chấp không còn quan trọng. Khi xảy ra những khúc mắc, rủi ro thị trường giữa NH và khách hàng thì chỉ nên quan niệm là giao dịch dân sự. Việc NHNN đưa ra chủ trương tăng cho vay tín chấp là đúng đắn, vấn đề là đưa chủ trương đó vào thực tiễn như thế nào. Nếu thành công thì quan hệ vay vốn giữa NH với khách hàng tiến một bước rất dài ngày càng bền chặt hơn. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi tư duy của cả NH, DN và hệ thống pháp lý.
Mới đây, trong chuyến đi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn một số tỉnh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: NH sẽ tăng cho vay tín chấp thông qua nhiều chương trình tín dụng như chương trình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; cho vay hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi… Nhưng Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh quan điểm: hoạt động tín dụng của NH là nhận tiền gửi của người dân để cho vay lại. Nên dù NH có muốn đồng hành với DN bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng phải thẩm định chặt chẽ. Do đó, điều này DN cũng cần chia sẻ với NH hơn.