Vất vả thoái vốn ngân hàng

Quyết định 51 ban hành ngày 15-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, đã dành một phần quy định rõ việc thoái vốn nhà nước tại các ngân hàng.

Quy định mới chỉ tóm gọn trong hai điều 6 và 7, nhưng nó là những dòng chữ đầu tiên viết nên trang mới của cuốn sách cải tổ hệ thống tổ chức tín dụng nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan, với tinh thần trách nhiệm của những người điều hành chính sách tiền tệ.

Khả năng hạch toán lỗ

Trước quyết định trên, Chính phủ đã thúc giục Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy nhanh quá trình niêm yết, mục tiêu là tất cả các ngân hàng cổ phần sẽ lên sàn vào năm 2015. Niêm yết được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ sở hữu chéo. Các cá nhân, tổ chức đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần ở một ngân hàng vượt quy định theo Luật các tổ chức tín dụng sẽ thoái vốn trực tiếp bằng cách đăng ký bán ra trên sàn.

Đọc lại nghị quyết hội đồng quản trị công bố sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của các ngân hàng, việc niêm yết tuy có được nhắc đến, nhưng không mấy quyết liệt. Có những ngân hàng cổ đông đòi niêm yết đã nhiều năm, việc tiến hành vẫn cứ bị lùi dần hoặc trì hoãn. Mục tiêu niêm yết có lẽ sẽ chỉ hoàn tất một khi có văn bản bắt buộc từ phía NHNN.

Vấn đề thứ hai của sở hữu chéo là vốn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở ngân hàng. Quyết định 51 yêu cầu NHNN tiếp nhận hoặc chỉ định một ngân hàng quốc doanh (và nửa quốc doanh) mua lại phần vốn các đơn vị nhà nước đang sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng. Trước khi tiếp nhận, NHNN sẽ có định giá độc lập, sau đó xem xét giá trị sổ sách. Giá mua sẽ là giá trị sổ sách nếu giá trị sổ sách thấp hơn giá trị định giá độc lập. Trong trường hợp giá trị sổ sách cao hơn, thì sẽ mua bằng giá của định giá độc lập.

Giá như 7-8 năm trước khi rót vốn vào ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty dự đoán được phần nào kết quả cục diện đầu tư ngày hôm nay!

Hiện tại, theo báo cáo tài chính bán niên 2014 của các tổ chức tín dụng, giá trị sổ sách của các ngân hàng thương mại cổ phần đa phần đều dưới 15.000 đồng/cổ phiếu. Một số ngân hàng, nếu tính số nợ xấu nhóm 5 (có khả năng mất vốn) phải trích lập dự phòng, thì vốn chủ sở hữu sẽ giảm mạnh, tức giá trị sổ sách sẽ "bay hơi" đáng kể. Trong khi đó, các tổng công ty, tập đoàn đều góp vốn vào ngân hàng cổ phần với giá bằng mệnh giá.

Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu các ngân hàng như An Bình, Đại Dương, PVcomBank, PGBank, Phương Nam... đang được chào mua hoặc bán dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Trên sàn, thị giá cổ phiếu của NVB, SHB cũng đang dưới mệnh giá. NHNN sẽ khó mà tiếp nhận phần góp vốn của Nhà nước ở những ngân hàng này với giá cao hơn giá thị trường. Nhiều khả năng các tập đoàn, tổng công ty buộc phải hạch toán một mức lỗ nào đó từ thoái vốn.

Tiền đâu mua?

Cho đến nay chưa có thống kê chính thức vốn nhà nước ở các ngân hàng thương mại cổ phần là bao nhiêu tính theo giá vốn đầu tư ban đầu. Một tổ chức đầu tư ước tính, dựa trên báo cáo tài chính năm ngoái của các ngân hàng, con số 15.000 tỉ đồng. Nó có vẻ hợp lý vì tính đến cuối năm 2013, vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khoảng 22.000 đồng, chủ yếu ở ngân hàng, bảo hiểm. Tám tháng đầu năm nay thoái vốn ngoài ngành ước được 10% số trên, song thị trường gần như không ghi nhận một thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng đình đám nào.

Câu chuyện bây giờ là NHNN lấy tiền đâu để mua cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty ở ngân hàng? Hay tiếp nhận sẽ chỉ là bút toán ghi sổ? Nếu như vậy, "bình mới rượu cũ" sẽ không làm thay đổi bản chất vấn đề sở hữu chéo.

NHNN mua bằng tiền ngân sách có thể không được chấp thuận. Việc chỉ định các ngân hàng quốc doanh mua hay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là người mua cuối cùng khả thi hơn. Nếu Vietcombank, BIDV, VietinBank đứng ra mua, một cơ chế ngầm hỗ trợ sẽ hình thành, kiểu được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, được tái cấp vốn giá thấp và nhất là củng cố mối quan hệ khách hàng - ngân hàng với các "ông lớn"quốc doanh. Giả sử Vietcombank nhận mua phần vốn góp còn lại của tập đoàn Điện lực (EVN) ở Ngân hàng An Bình, EVN có thể được cởi mở hơn trong các hợp đồng tín dụng. Ai cũng biết đầu tư hàng năm của EVN rất lớn và một phần tiền đầu tư trông vào các hợp đồng tín dụng. Về phía ngân hàng, cung ứng được hàng ngàn tỉ đồng cho EVN trong thời buổi tiền đang thừa thãi đâu phải dễ.

SCIC bỏ ra bao nhiêu tiền mua cổ phiếu ngân hàng? SCIC có đủ khả năng mua và giữ lâu dài nhất là sau khi nghị định về hoạt động của siêu tổng công ty này đã được ban hành. Tuy nhiên, việc SCIC trở thành cổ đông của một số ngân hàng không phải là điều cơ quan quản lý ngành ngân hàng cảm thấy "thoải mái". Hẳn người ta chưa quên trước đây, sau khi cổ phần hóa, phần vốn nhà nước còn lại ở Vietcombank đã được chuyển cho SCIC quản lý. Sau chẳng hiểu vì lý do gì, quyền quản lý ấy lại quay trở về NHNN. SCIC là con đẻ của Bộ Tài chính, hiện vẫn hoạt động dưới quyền cơ quan quản lý ngân khố quốc gia. Việc chia sẻ quyền lực quản lý, tham gia điều hành với SCIC, dù chỉ là chút ít ở vai trò cổ đông lớn, hình như không phải là chuyện dễ bỏ qua cho lắm.

Việc rút chân ra khỏi ngân hàng, nhìn đi nhìn lại sao mà khó quá! Giá như 7-8 năm trước khi rót vốn vào ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty dự đoán được phần nào kết quả cục diện đầu tư ngày hôm nay! Bài học này thêm một lần là lời cảnh tỉnh cho những "cơn bốc đồng" của đầu tư theo phong trào!