Đồng tiền có biểu hiện tệ nhất năm ngoái lại có tăng trưởng tốt nhất trong những tháng đầu năm nay, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Nga. Mặc dù giá dầu ít có thay đổi theo tỷ giá USD, nhưng nếu tính theo Rúp thì giá nguyên liệu này đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Giá dầu Brent tính theo đồng Rúp
Năm 2014, việc đồng Rúp giảm giá đã giúp chính phủ Nga giữ thâm hụt ngân sách trong khoảng 1% GDP mặc dù giá dầu giảm 50%. Hiện tại, khi thỏa thuận ngừng bắn tại Ucraina đã được thực hiện và mức lãi suất cao thu hút nhà đầu tư trở lại thì đồng nội tệ yếu lại là một trở ngại cho nền kinh tế.
Giám đốc nghiên cứu Vladimir Bragin của Alfa Capital nhận định tỷ giá đồng Rúp hiện nay đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách do giá dầu tính theo đồng tiền này vốn đã ở mức thấp. Theo chuyên gia này, để đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô thì Nga cần phải hạn chế thâm hụt ngân sách và một đồng Rúp yếu sẽ hỗ trợ cho mục tiêu này.
Đồng Rúp tăng 12% trong tháng 4/2015 đang tạo điều kiện thuận lợi cho Thống đốc ngân hàng trung ương Nga (BoR) Elvira Nabiullina tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay. Năm 2014, BoR đã nâng lãi suất lên 17% để ngăn chặn đà mất giá của đồng tiền. Tuy nhiên, bà Nabiullina đã hạ lãi suất 3 điểm phần trăm từ đầu năm đến nay.
Theo hãng Renaissance Capital và Bank of America Corp, các nhà hoạch định chính sách cũng có thể tăng chi phí mua lại USD của các ngân hàng nhằm nâng giá trị của các tài sản bằng đồng Rúp.
Ngân hàng trung ương can thiệp?
Chuyên gia Bragin cho rằng ngân hàng trung ương có thể bắt đầu mua ngoại tệ để làm chậm lại đà tăng của đồng Rúp. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Liza Ermolenko của Capital Economics lại suy nghĩ khác.
Bà Ermolenko đánh giá rằng những động thái gây ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ sẽ làm suy yếu sự độc lập của BoR, một chính sách mà Thống đốc Nabiullina đã chuyển sang năm ngoái khiến đồng Rúp được hối đoái tự do. Qua đó tạo ra vấn đề lớn hơn trong tương lai.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, việc đầu tư vào đồng Rúp từ đầu năm đến nay có thể đem lại lợi nhuận 22%, mức cao nhất trên thế giới và gấp 6 lần so với đồng tiền có biểu hiện thứ 2 trong bảng xếp hạng là Rupee của Ấn Độ.
Gia tăng nợ
Việc đồng Rúp tăng giá đã giúp Bộ Tài chính Nga gia tăng tín dụng thêm gấp 3 lần từ đầu năm 2015 lên 126 tỷ Rúp, qua đó bù đắp một phần ảnh hưởng bất lời từ sự tăng giá đồng Rúp.
Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, dự báo thâm hụt ngân của Nga sẽ tăng từ 2,5% GDP tháng 2/2015 lên 2,6% GDP tháng 3/2015. Theo chuyên gia kinh tế trưởng Oleg Kouzmin của Renaissance Capital, tỷ giá cứ tăng 1 Rúp/USD thì ngân sách sẽ giảm 80 tỷ Rúp.
Suy giảm lợi ích
Đồng Rúp đã tăng 2,9% lên 52,1360 Rúp/USD vào lúc 7h35 chiều theo giờ Moscow phiên 9/4. Đồng Rúp đã tăng giá 16% từ đầu năm đến nay sau khi đã giảm giá 46% năm 2014. Giá dầu Brent thế giới ở mức 57,16 USD/thùng trong phiên 9/4.
Theo ông Bragin, đồng Rúp tăng giá làm xói mòn các lợi ích kinh tế so với khi ở mức thấp và điều này khiến việc kiểm soát thâm hụt ngân sách trở nên phức tạp hơn.