VAMC: Nhiều lúc có như không

Dù mua vào ồ ạt một lượng nợ xấu rất lớn nhưng đến nay Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC) mới chỉ là nơi quản lý nợ "tạm" được chuyển từ các ngân hàng (NH) qua.

Ùn nợ đọng

Tại hội nghị Gateway to Vietnam do Công ty SSI tổ chức mới đây, các chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, muốn giải quyết dược nợ xấu cần tăng quyền cho VAMC.

Thực tế, VAMC đã mua được hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu của các NH, nhưng thực chất cũng chỉ mới chuyển nợ tạm thời từ các NHTM sang VAMC quản lý. Trong khi, điều quan trọng trong xử lý nợ xấu là làm thế nào để VAMC bán được nợ xấu.

Trên thực tế, thời gian qua VAMC đã tiếp nhận hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu từ NH. Trong thời gian tới đây, theo các NHTM sẽ còn một lượng nợ khủng tiếp tục chuyển qua VAMC. Ví dụ, Sacombank cho biết, trong năm vừa qua Sacombank đã bán nợ cho VAMC trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng và từ nay đến cuối năm sẽ bán thêm vài trăm tỷ nợ nữa.

Techcombank cũng đã bán 800 tỷ đồng nợ cho VAMC và dự kiến bán thêm khoảng 1.500 -1.800 tỷ đồng nợ nữa từ nay đến cuối năm. Ngay cả với những NH đã bán một lượng lớn nợ xấu cho VAMC, như SCB đã bán 6.000 tỷ đồng cũng dự kiến sẽ bán tiếp 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới.

Ngoài ra, Navibank, Eximbank... cũng rà soát bán nợ xấu cho VAMC. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết, dự kiến trong năm nay, VAMC sẽ có kế hoạch mua từ 70.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng nợ xấu từ các NH.

Do đó, NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng đang yêu cầu các NH trên địa bàn tổng hợp các hồ sơ đầy đủ điều kiện để có thể bán nợ xấu cho VAMC một cách thuận lợi và nhanh nhất để từ đó tháo gỡ khó khăn.

Dù mua ồ ạt như vậy nhưng tính đến nay, việc giải quyết nợ chưa đem lại nhiều kết quả. Theo đánh giá của một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, nợ xấu của NH sẽ được cải thiện cả chất và lượng nhờ có công cụ VAMC ra đời. Tuy nhiên, nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu bán cho VAMC không được xử lý thì NH khó có thể trút được gánh nợ.

Trường hợp các khoản nợ xấu không xử lý triệt để sau 5 năm thì nợ xấu sẽ được trả lại NH. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho VAMC cũng chưa hẳn được các NH thực hiện một cách đầy đủ.

Đáng chú ý là với NH yếu kém, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí lợi nhuận sau thuế âm thì không còn khả năng trích lập. Như vậy, nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu bán cho VAMC vẫn không được xử lý triệt để, trong khi NH lại không trích dự phòng thì vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ lặp lại và xấu hơn.

Tăng quyền cho VAMC

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đánh giá, việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC cũng như tích cực xử lý nợ xấu của các NH là điều hết sức cần thiết và sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, để có thể xử lý triệt để được các khoản nợ xấu đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ hai phía là NH và doanh nghiệp, đồng thời cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này. Có như vậy, nợ xấu mới kỳ vọng giải quyết triệt để.

Có mặt tại hội nghị Gateway, ông Darryl James Dong, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, để có thể giải quyết được nợ xấu, cần phải tăng quyền lực cho VAMC. Đồng thời, việc chịu lỗ khi bán nợ xấu cũng là điều đương nhiên mà có thể Chính phủ phải gánh chịu phần lỗ này. Có như vậy, mới thu hút được người mua.

Trên thực tế, sự ra đời của VAMC là một giải pháp, nhưng cần có sự hỗ trợ chi tiết và cụ thể hơn trong việc xử lý nợ xấu, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua-bán nợ xấu.

Khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ xấu đòi hỏi phải có chính sách và luật pháp rõ ràng thì nhà đầu tư mới có thể an tâm trong việc đầu tư, mua bán nợ xấu. Trong khi đó, hiện Việt Nam vẫn chưa rõ ràng về tình hình nợ xấu..

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho biết, hiện ngoài việc các NH hy sinh lợi nhuận để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro thì việc xử lý nợ xấu của Việt Nam cũng chỉ gói gọn trong VAMC, DATC.

VAMC cũng đã mua được hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu của các NH, nhưng thực chất cũng chỉ mới chuyển nợ tạm thời từ các NHTM sang VAMC quản lý. Để hình thành được thị trường mua - bán nợ, cần có những giải pháp mở hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ.

Chẳng hạn, đối với những dự án đang xây dựng dở dang nhưng cạn vốn có thể cho phép thu hút vốn nước ngoài để hoàn thành. Thứ hai là cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản.

Hiện cũng đang có những kiến nghị về vấn đề này. Vấn đề còn lại là việc bán nợ của VAMC, trước hết cần phải gia tăng quyền cho VAMC trong xử lý hành chính thì việc xử lý nợ xấu mới có thể được triệt để, thay vì chỉ có thể chuyển đổi như hiện nay.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nợ xấu ngành NH hiện chiếm khoảng 4,17% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tổng nợ xấu đã xử lý của ngành NH đến cuối tháng 8/2014 là khoảng 210.000 tỷ đồng. Còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả nợ xấu mới phát sinh. Tuy nhiên, tổng số nợ xấu hiện vẫn còn rất lớn và nguy cơ đối với NH khi nợ xấu còn tồn tại.

"Theo mục tiêu của NHNN, đến năm 2015 sẽ kéo nợ xấu xuống 3%. Nếu tập hợp các giải pháp đồng bộ như kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt. NH tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro; giảm bớt thủ tục hành chính để có thể phát mãi tài sản nhanh thì khả năng có thể thực hiện được mục tiêu này", TS. Lịch nói thêm.

Rõ ràng, xử lý nợ xấu cũng là một trong những yếu tố để thúc đẩy tái cơ cấu ngành NH. Tái cơ cấu NH đã được thực hiện quyết liệt, với 9 NHTM yếu kém đã được xử lý thông qua sáp nhập, hợp nhất và từ nay đến năm 2015 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, với mục tiêu lành mạnh hệ thống và chỉ còn khoảng 18-20 NH.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong tái cơ cấu NH, phải giải quyết được nợ xấu, thanh khoản (đã phần nào được xử lý, thanh khoản NH cải thiện tốt); xử lý tình trạng sở hữu chéo.

Tọa đàm "Tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu" do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và NHNN tổ chức tối 9/9, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu và các đại biểu Quốc hội.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội:
Nợ xấu có nguy cơ gia tăng trở lại do môi trường kinh doanh chưa có sự cải thiện và giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu chưa được triển khai quyết liệt. Nguyên nhân là bởi thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu chậm được khắc phục, hoàn thiện. Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức tín dụng chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC.VAMC cũng chưa có những cơ chế hỗ trợ đặc thù nên hoạt động còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường và xử lý các khoản nợ xấu đã mua.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương:
Dù tiến trình tái cấu trúc hệ thống đang đạt được một số kết quả nhưng tiêu cực vẫn còn mà vi phạm của Ngân hàng Xây dựng vừa qua là một ví dụ. Một tư tưởng đè nặng hiện nay là cứ chương trình gì cần đến tiền lại là NH, từ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội đến các chương trình tín dụng quốc kế dân sinh như tam nông, đánh bắt xa bờ, rồi cả mua trái phiếu Chính phủ. Cứ thế này thì tái cấu trúc xong lại đổ thêm một đống nợ cho hệ thống NH.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM:
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu hiện nay là hơn 4,7% nhưng lại là điểm nghẽn của các tổ chức tín dụng và là nguy cơ gây bất ổn thanh khoản của hệ thống NH. Tự thân các NH thương mại không thể giải quyết được vấn đề nợ xấu bằng nguồn tài chính của họ. Bắt buộc phải có một dòng vốn bên ngoài bơm vào để kích thích.
Thời gian vừa qua, NHNN đã có rất nhiều nỗ lực giải quyết nợ xấu và thực tế, với việc áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ... đã mang đến những hiệu quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được khoảng 201.000 tỷ nợ xấu, trong khi VAMC cho đến hiện nay chỉ mới mua được 56.000 tỷ nợ xấu.