Bà Michala Marcussen, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Societe Generale mới đây nhận định rằng "đà tăng mạnh của đồng USD có thể là một kịch bản đáng lo ngại hơn so với động thái thắt chặt tiền tệ của Fed".
Chỉ số đồng USD đã tăng hơn 7% tính đến thời điểm này trong năm trong bối cảnh Fed đang dần hoàn tất quá trình cắt giảm chương trình mua tài sản (taper) của mình và đa số các thị trường đều có chung kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong nay mai.
Một số nhà phân tích lo ngại điều này sẽ châm ngòi cho sự lặp lại của đà sụt giảm mạnh từng diễn ra từ mùa hè năm ngoái đến đầu năm nay khi mối lo lắng về động thái cắt giảm chương trình mua tài sản của Fed dẫn đến làn sóng bán tháo không thương tiếc đối với các tài sản thị trường mới nổi.
Bà Marcussen lưu ý "kỳ vọng lúc này là đồng USD mạnh sẽ góp phần khống chế lạm phát ở Mỹ, trì hoãn động thái thắt chặt của Fed và thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ" nhưng bà cho rằng, để điều đó xảy ra, đồng USD cần phải tăng mạnh hơn nữa đến mức có thể cho thấy đà tăng trưởng yếu kém hơn của các quốc gia còn lại.
Bà cho rằng, để trì hoãn động thái nâng lãi suất của Fed thì đồng EUR cần phải lùi về mức 1.10 USD, trong khi đồng USD cần phải tăng lên sát 120 JPY và 6.50 CNY.
Bà nhận định: "Theo kịch bản đó, thì đồng USD mạnh đồng nghĩa với việc dòng vốn sẽ tiếp tục thất thoát nhiều hơn nữa, qua đó gia tăng áp lực đối với các nền kinh tế vốn đã dễ bị tác động. Kịch bản 'đồng USD mạnh' có thể sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn 'đòn thắt chặt của Fed', với giả định hành động của Fed sẽ đi kèm với đà tăng trưởng tốt hơn của các quốc gia khác".
Một sự thật là bà cho rằng sự dịch chuyển của đồng USD lúc này không đủ để đáp ứng tiêu chuẩn của một đồng tiền "mạnh", khi đồng bạc xanh vẫn đang giao dịch ngay bên dưới mức bình quân dài hạn, dù rằng Societe Generale dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2015.
Những người khác kỳ vọng tài sản của các thị trường mới nổi sẽ phản ứng tiêu cực với đà tăng gần đây của đồng USD. Trong một nhận định mới đây, Goldman Sachs cho rằng: "Việc rút dần khỏi các chính sách nới lỏng tiền tệ sắp tới của Fed sẽ tiếp tục theo hướng lãi suất cao hơn trong những quý tới. Ngân hàng này cho biết thêm: "Trong bối cảnh đà tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm, lãi suất của Mỹ dần tăng cao và lợi suất thị trường mới nổi vẫn duy trì quanh mức hiện tại, thì các đơn vị tiền tệ thị trường mới nổi (đặc biệt là những đồng tiền có mức sinh lợi cao) vẫn còn khả năng suy yếu hơn nữa".
Tuy nhiên, Goldman đang quan tâm đến khu vực châu Âu để tìm kiếm manh mối về việc liệu bất kỳ đợt bán tháo nào trên thị trường mới nổi chỉ dừng lại ở thị trường tiền tệ hay sẽ lan sang các tài sản khác. Những quan ngại ngày càng lớn về đà tăng trưởng của châu Âu có thể tác động đến các tài sản rủi ro, bao gồm tín dụng và cổ phiếu thị trường mới nổi".
Mặc khác, ngân hàng này tin rằng các mối tương quan với các điều kiện thị trường diễn ra trước khi Fed cắt giảm QE là không đáng lo ngại lắm trong giai đoạn này, một phần là do EUR đang yếu so với USD và điều này đang hỗ trợ các thị trường mới nổi, trong khi bất kỳ sự gia tăng lãi suất nào của Mỹ cũng có thể sẽ ít căng thẳng hơn so với năm 2013. Goldman Sachs cho rằng: "Các tài sản thị trường mới nổi có thể nhận thấy sự kết hợp này dễ chấp nhận hơn".
Số khác kỳ vọng đà tăng của đồng USD sẽ không gây ra một đợt tháo chạy khác tại các thị trường mới nổi. Citigroup cho rằng: "Chúng tôi nhận thấy đồng USD mạnh không phải là lý do để áp dụng chiến lược giao dịch tránh rủi ro. Cổ phiếu thị trường mới nổi không lệ thuộc vào đồng USD như người ta thường nghĩ".
Ngân hàng này kỳ vọng sự dịch chuyển theo hướng tỷ giá hối đoái thả nổi của các thị trường mới nổi, cũng như giao thương quốc tế ngày càng tăng cao của các khu vực sẽ giảm thiểu mối quan hệ tiêu cực với đồng USD. Thật ra, thay vì sử dụng đồng USD mạnh hơn như một cái cớ để bán cổ phiếu thị trường mới nổi thì tốt hơn nên nhắm đến Nhật Bản với tỷ trọng vượt trội bởi vì khi đồng yên suy yếu thường thúc đẩy giá cổ phiếu ở đó.