UBS: Vị thế tài chính của Trung Quốc trên thế giới vẫn còn yếu

UBS: Vị thế tài chính của Trung Quốc trên thế giới vẫn còn yếu

(NDH) Theo hãng tin Bloomberg, khi nói đến việc thực hiện những chính sách kích thích kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên không thể so sánh được với những người đồng cấp tại Mỹ và Châu Âu.

Các chính sách kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã có tác động lan tỏa trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của UBS cho rằng nhà đầu tư không nên hy vọng điều tương tự ở PBOC khi thời gian qua Trung Quốc đã liên tục cắt giảm lãi suất và khích lệ các ngân hàng cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên

Chuyên gia chiến lược Bhanu Baweja của UBS nhận định rằng các cơ chế ảnh hưởng đến thị trường quốc tế của những ngân hàng trung ương trên là hoàn toàn khác nhau.

Những chính sách kích thích của Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại đã được chứng minh là yếu hơn so với FED và ECB. Ngân hàng UBS cho rằng tăng trưởng cung tiền trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, lãi suất cũng chỉ được giảm khiêm tốn dù đã có 3 lần giảm trong 6 tháng qua.

UBS cũng nhận định các tác động từ những chính sách của PBOC không làm suy giảm rủi ro trong nền kinh tế toàn cầu như những động thái của các ngân hàng trung ương khác. Trước đây, khi FED giảm lãi suất xuống gần 0%, chi phí vay trên thị trường cũng giảm theo, qua đó gián tiếp giúp đỡ nhiều công ty trên thế giới có thể đi vay bằng đồng USD. Trong khi đó, không có nhiều doanh nghiệp quốc tế vay vốn bằng đồng Nhân dân tệ, vì vậy việc PBOC hạ lãi suất sẽ không làm giảm chi phí đi vay trên thị trường toàn cầu.

Ông Baweja nói: “Các chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đến chi phí vay của các doanh nghiệp ở Brazil, Nam Phi hay Indonesia.”

Dòng chảy tài chính yếu

Dòng vốn Trung Quốc đầu tư vào các tài sản quốc tế vẫn còn hạn chế, ngay cả khi thị trường tài chính của nước này đã mở cửa hơn so với trước đây. Trong khi tổng đầu tư ra nước ngoài của Mỹ và Châu Âu đạt hơn 400 tỷ USD/năm trong 2 năm qua, con số này của Trung Quốc chỉ đạt 90 tỷ USD tính đến tháng 4/2015. Điều này cho thấy sự khó khăn của các tổ chức tài chính Trung Quốc khi đầu tư ra nước ngoài.

Đồng Nhân dân tệ cũng khó có khả năng giảm giá được như đồng USD hay Euro khi FED và ECB hành động, do nó có khả năng ảnh hưởng đến sự thoái vốn hay hạ giá trị các tài sản bằng đồng nội tệ Trung Quốc. Hơn nữa, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của mình, vì vậy họ không muốn hạ giá đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc không hạ giá đồng Nhân dân tệ có thể chia sẻ áp lực giảm phát trên thế giới hiện nay.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng PBOC có thể thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp quốc tế bằng việc gia tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Mặc dù vậy, UBS cho rằng mục tiêu này khá khó khăn do các nhà hoạch định chính sách nước này đang cố gắng cân bằng lại nền kinh tế. Trung Quốc đang chuyển dịch từ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn là lý do thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các ngành kinh doanh khác trước đó, sang gia tăng vai trò của thị trường tiêu dùng dịch vụ trong nước.

Vị thế trong nền kinh tế toàn cầu

Mặc dù những chính sách của PBOC không có ảnh hưởng nhiều đến thế giới như của FED hay ECB, vai trò của Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh đối với kinh tế toàn cầu. Chuyên gia kinh tế Adam Slater của Oxford Economics Ltd cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ làm suy giảm giá cả hàng hóa, thương mại và lợi nhuận của các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường này, qua đó kéo lãi suất trái phiếu toàn cầu đi xuống.

Theo ông Slater, sự thay đổi trong hoạt động kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến giá tài sản thế giới do tỷ trọng cán cân thương mại của nước này, chứ không phải do mối liên hệ với thị trường tài chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng khi Trung Quốc tăng cường mối liên kết với thế giới trên thị trường tài chính, tầm ảnh hưởng của PBOC sẽ ngày càng lớn. Các nhà hoạch định chính sách đang nới lỏng rào cản trên thị trường vốn và đồng Nhân dân tệ được dự đoán sẽ tăng giá mạnh, bất chấp liệu đồng tiền này có được đưa vào rổ dự trữ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không.

Trong trường hợp Trung Quốc tái cơ cấu thành công, chuyển dịch thị trường sang tập trung vào tiêu dùng dịch vụ nội địa và gia tăng nhu cầu nhập khẩu, tầm ảnh hưởng của nước này sẽ lớn hơn nữa. Hiện tại, thị trường tiêu dùng Trung Quốc có kích thước tương đương 30% so với thị trường Mỹ, tăng 8% so với năm 2000.

Tuy nhiên, hiện tại ngân hàng UBS khuyên các nhà đầu tư nên cẩn trọng khi đầu tư vào những công ty có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.