Đó là đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) trong báo cáo về tình hình kinh tế 11 tháng đầu năm vừa được công bố.
Chỉ số CDS tiếp tục giảm
Báo cáo cho biết trong tháng 11 đã diễn ra phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 3 năm do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành lần đầu tiên sau 1 năm, thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Với tỷ lệ trúng thầu đạt 100%, 6.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 3 năm đã được bán hết với mức lãi suất 5,9%/năm.
UBGSTC đánh giá nhu cầu của thị trường đối với TPCP kỳ hạn 3 năm hiện vẫn tương đối lớn.
Một diễn biến tích cực nữa của thị trường trái phiếu trong tháng 11 là chỉ số CDS – một thước đo đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ TPCP Việt Nam – tiếp tục giảm sau khi tăng liên tục trong 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9).
Chỉ số CDS đối với TPCP kỳ hạn 5 năm đã leo lên mức cao nhất vào tuần đầu tháng 10 là 298,7 điểm, sau đó bắt đầu xu hướng giảm và tới ngày 24/11 chỉ còn ở mức 254,7 điểm.
Trong báo cáo công bố đầu tháng 10, UBGSTC đã nêu ra tình trạng chỉ số CDS tăng nhanh trong 2 tháng cuối quý III/2015 và cho rằng đó là do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài đối với tình hình nợ công của Việt Nam.
Đánh giá thêm về tình hình tài chính, UBGSTC cho biết lĩnh vực ngân hàng có sự ổn định về thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập dự phòng rủi ro tăng. Tháng 11, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ cho vay/huy động duy trì ở mức dưới 80%, kể cả với huy động và tín dụng ngoại tệ. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.
Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng giảm các khoản vay ngắn hạn. Theo UBGSTC, tỷ trọng dư nợ các khoản vay ngắn hạn/tổng dư nợ đã giảm dần từ mức hơn 50% trong các năm 2011, 2012 và 2013 xuống mức 49,74% vào cuối năm 2014 và giảm còn 45,1% vào tháng 9/2015.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng nên mức sinh lời của khối ngân hàng thương mại giảm.
Thị trường cổ phiếu có thanh khoản tích cực, đạt bình quân xấp xỉ 2.300 tỷ đồng/phiên, tăng so với tháng 10.
Lạm phát thấp, không phải thiểu phát
Trong báo cáo của mình, cơ quan giám sát tài chính này đánh giá sự ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn đang được duy trì.
Mặc dù tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát (so với cùng kỳ năm trước), ở mức xấp xỉ 0% (0,34%), nhưng lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở khoảng 2-3%. UBGSTC cho rằng trong bối cảnh tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) tăng trưởng tốt, tình lạm phát thấp này không phải là thiểu phát mà do giá hàng hóa thế giới và chi phí sản xuất giảm.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, chỉ số giá bán sản phẩm của hàng sản xuất hàng công nghiệp giảm 0,74% so với cùng kỳ năm 2014.
Về đầu tư, tính đến giữa tháng 11/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,98% so với cuối năm 2014, đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại quý III/2015 đạt 31,9% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2012, trong đó đầu tư khu vực kinh tế tư nhân tăng khá, chiếm 37,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3% so với cùng kỳ, mức cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm qua. Niềm tin người tiêu dùng cũng tăng mạnh.
Về ngân sách nhà nước, UBGSTC dự báo tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 sẽ vẫn đạt và vượt dự toán.
Tổng thu ngân sách đến ngày 15/11 đạt 807,04 nghìn tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán, tăng 6,2% so cùng kỳ. Mặc dù thu từ dầu thô giảm nhưng lại đang được bù đắp bởi thu nội địa, nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 dự báo sẽ đạt 927,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so cùng kỳ 2014.