Tỷ giá và lãi suất: Góc nhìn từ những rủi ro bên ngoài

(NDH) Dự báo đến cuối 2016, VND sẽ giảm trong khoảng 4-5% nếu FED nâng lãi suất lên 1,25%, còn Nhân dân tệ có thể giảm thêm 5-7% từ mức giá hiện tại.

Tỷ giá chủ yếu bị tác động từ yếu tố bên ngoài

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định hoãn nâng lãi suất trong tháng 9/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố rằng động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của FED sẽ không ảnh hưởng đến chính sách ổn định tỷ giá trong thời gian tới.

Tuy nhiên ngày 25/9 vừa qua, NHNN đã cắt giảm trần lãi suất huy động đồng USD với cá nhân 50 điểm phần trăm, từ 0,75% xuống 0,25%, và với tổ chức 25 điểm phần trăm xuống 0%. Hiện vẫn chưa có kết quả chính thức về phản ứng từ khách hàng gửi tiền nhưng rõ ràng động thái này sẽ đem lại những tác động khác nhau đối với thị trường.

Với sự khác biệt giữa lãi suất huy động đồng USD và đồng Việt Nam là 4,5-5%, NHNN dự kiến các khách hàng gửi tiền cá nhân sẽ có xu hướng chuyển lượng ngoại tệ đang nắm giữ, hoặc đang gửi tại ngân hàng, sang đồng Việt Nam. Đây là một động thái của NHNN nhằm giảm áp lực đối với tỷ giá VND/USD hiện nay. Tuy nhiên, biện pháp này có tính rủi ro bởi lãi suất tiền gửi bằng đồng USD tại Việt Nam trước đó vốn không khác nhiều so với các thị trường khác.

Theo lý thuyết, NHNN có thể sử dụng những biện pháp khác như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, hiện đang ở mức 6% cho kỳ hạn dưới 12 tháng và thấp hơn so với mức 1% đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, hay giám sát chặt chẽ hơn việc bán ngoại tệ và các quy trình thanh toán bằng đồng USD. Trong ngắn hạn, những động thái này có thể giảm bớt sức ép trên thị trường ngoại hối dù không hoàn toàn chấm dứt được biến động trên thị trường.

Ngoài ra, những động thái gần đây trên thị trường cũng có thể tác động tích cực đến thị trường ngoại hối khi ngân hàng Vietcombank đã mua thêm 1 tỷ USD TPCP (thanh toán bằng ngoại tệ). Trong khi đó, chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục phát hành thêm trái phiếu, ước tính khoảng 3 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2016 thời hạn 10-30 năm, và thậm chí nhiều hơn nữa cho năm 2017 khi Luật Ngân sách mới cho phép chính phủ phát hành trái phiếu để đối phó thâm hụt ngân sách.

Trong dài hạn, thị trường ngoại hối Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực như các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó là dự đoán tăng trưởng GDP cao hơn của Việt Nam cũng như tình hình lạm phát ở mức thấp. Ngoài ra, quyết định nới lỏng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ gián tiếp thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, những rủi ro trong ngắn hạn đối với thị trường ngoại hối vẫn còn. Tình trạng thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai do tăng trưởng xuất khẩu yếu và gia tăng nhập khẩu có thể sẽ kéo dài sang năm 2016.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với kinh tế toàn cầu khiến sự duy trì ổn định đối với đồng Việt Nam gặp khó khăn hơn, đặc biệt là sau khi NHNN có một số điều chỉnh trên thị trường trong tháng 8/2015. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam không thực sự cao, ước tính vào khoảng 37,4 tỷ USD, thấp hơn mức ngoại tệ cần để nhập khẩu trong 3 tháng.

Bộ phận phân tích CTCK Sài Gòn - SSI Research cho rằng với kịch bản cơ sở, đến cuối năm 2016, Việt Nam đồng - VND sẽ giảm khoảng 4-5% nếu FED nâng lãi suất 1,25%, còn Nhân dân tệ có thể giảm thêm 5-7% từ mức giá hiện tại.

Ngoài ra, các biện pháp như sử dụng tỷ giá tham chiếu và biên độ giao dịch vẫn sẽ được NHNN ưu tiên để điều chỉnh tỷ giá hối đoái trên thị trường.

Ổn định lãi suất nhưng cần theo xu hướng của thế giới

Một trong những yếu tố khiến NHNN quyết định duy trì mức lãi suất ổn định là tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam đang ở mức thấp, không chỉ cho năm 2015 mà còn ước tính cả năm 2016.

Tuy nhiên, NHNN cần có những biện pháp nhằm khôi phục lòng tin cũng như nhu cầu của nhà đầu tư đối với đồng Việt Nam và duy trì tỷ lệ LDR hợp lý (tỷ lệ cho vay /tiền gửi của ngân hàng) do tỷ lệ vay nợ tăng lên thường đi kèm với tăng trưởng GDP cao hơn.

Tỷ lệ LDR của hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa được công bố từ tháng 6/2015 nên tỷ lệ này được giả định đang ở mức trần theo quy định của Thông tư 36. NHNN đã từng tuyên bố rằng tỷ lệ LDR bằng đồng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở vào khoảng 80%, thấp hơn đáng kể so với mức trên 100% trong năm 2011-2012.

Như vậy, tỷ lệ LDR bằng đồng Việt Nam hiện nay rất có thể ở mức cao, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng tín dụng ddeenss 21/9 đạt 10,78%, cao hơn mức 8,9% của tốc độ tăng trưởng tiền gửi.

Bên cạnh đó, tình trạng tăng trưởng tín dụng dài hạn nhờ các nguồn vốn tiền gửi ngắn hạn có thể là một yếu tố quan trọng làm khả năng nâng lãi suất huy động dài hạn của ngân hàng.

Trong thực tế, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã không còn dồi dào như trước, được thể hiện qua diễn biến của lãi suất qua đêm và việc tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng nhỏ.

Trong kịch bản tốt nhất, chính phủ Việt Nam có thể hoàn thành giai đoạn đầu tiên của tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, NHNN rất có thể sẽ nới lỏng các quy định ràng buộc lãi suất vào đầu năm 2016 và dỡ bỏ mức trần lãi suất huy động ngắn hạn. Việc giữ tỷ lệ LDR ở mức hợp lý sẽ là yếu tố chủ chốt hạn chế các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động.

Hơn nữa, một TTCK phát triển với sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài, khiến các DN có thể dễ dàng huy động vốn hơn vay từ ngân hàng cũng là một yếu tố tích cực nữa cho hệ thống tài chính.

Còn theo kịch bản cơ sở, lãi suất cơ bản có thể được giữ nguyên, lãi suất huy động dài hạn có thể tăng 100 điểm phần trăm vào cuối năm 2016 còn lãi suất huy động ngắn hạn cũng có thể tăng 50-100 điểm phần trăm.

Các doanh nghiệp cũng có xu thế lựa chọn vay vốn bằng đồng Việt Nam nhiều hơn để tránh các rủi ro về tỷ giá, mặc dù khoảng cách lãi suất huy động bằng đồng USD và đồng Việt Nam là 4,5-5%.

Trong vài tháng đầu năm 2016, tình hình hình tăng trưởng tín dụng có thể không khả quan do vào dịp Tết Nguyên Đán và áp lực tăng lãi suất có thể sẽ đến vào sau tháng 2/2016.