Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam. Ảnh: Minh Huệ
Ông Hải dự báo năm 2016 tiền VND sẽ mất giá từ 2 -3% trong bối cảnh như hiện nay. “Còn nếu trong điều kiện có biến động mạnh trên thị trường thế giới như đồng Nhân dân tệ phá giá mạnh thì NHNN phải xem xét lại tổng thể cung cầu trên thị trường để đưa ra chiến lược hợp lý nhưng định hướng chung vẫn là giữ ổn định”, ông Hải nhận định.
Theo ông, việc đồngNhân dân tệ được vào rổ tiền tệ thế giới (SDR) tác động thế nào tới tỷ giá của Việt Nam?
Đồng Nhân dân tệ được cho vào trong rổ SDR đã nằm trong sự kỳ vọng của thị trường. Trung Quốc đưa đồngNhân dân tệ vào rổ tiền tệ này thì họ cũng chấp nhận cuộc chơi mới vì sự biến động nhiều hơn trong tương lai, có khả năng tăng giá hoặc giảm giá. Sự biến động này sẽ gây tác động đến đồng tiền khác, trong đó có tiền VND của Việt Nam trong tương lai.
Thực tế, Việt Nam ngày càng hội nhập thì việc quyết định của ngân hàng trung ương nước khác đều sẽ gây ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên nhìn vào thực tế hiện nay thì những tác động của USD vẫn mang ảnh hưởng nhiều hơn vì đa phần tỷ trọng thanh toán quốc tế vẫn trên 90% là USD.
Với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên những biến động của đồngNhân dân tệ cũng có tác động nhất định lên tiền VND. Đây là 2 yếu tố tác động đến tiền đồng của Việt Nam trong thời gian qua và thời gian sắp tới.
Nhìn chung, xu thế chung của 2016, nhiều khả năng biến động của các đồng tiền vẫn tiếp tục nhiều như năm 2015. Chúng ta nhìn thấy chính sách của các ngân hàng trung ương các đang ngược chiều nhau, Mỹ thì đang có xu hướng tăng lãi suất lên trong tháng 12 năm nay, còn ngân hàng trung ương Châu Âu lại hạ lãi suất xuống, Nhật có thể vẫn tiếp tục theo chính sách nới lỏng tiền tệ, Trung Quốc trong thời gian tới không biết sẽ thế nào… Những chính sách ngược chiều và đối lập nhau sẽ tạo ra những chuyển động trên thị trường ngoại hối trong thời gian sắp tới.
Vậy theo ông những biến động này sẽ tác động thế nào tới chính sách tỷ giá của Việt Nam? Theo quan điểm của ông và HSBC thì năm 2016, tỷ giá sẽ biến động bao nhiêu?
Chủ trương của Chính phủ rất rõ ràng là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vì nếu nhìn vào năm 2015 các đồng tiền trong khu vực phá giá rất lớn như đồng Ringgit (Malaysia), đồng Ruby (Indonesia)… nhưng nếu Việt Nam cũng chấp nhận như vậy thì nó gây bất ổn rất lớn trên thị trường tài chính Việt Nam. Vì bản thân các doanh nghiệp và người dân Việt Nam chưa có sự chuẩn bị, các công cụ chống rủi ro chưa được sử dụng nhiều.
Ngân hàng Nhà nước đã rất kiên định trong việc giữ ổn định tỷ giá của tiền VND và xu hướng đó sẽ tiếp tục trong năm 2016. Tất nhiên chúng ta không thể khẳng định một cách chắc chắn là tiền VND sẽ không thể bị ảnh hưởng của các biến động trên thế giới năm 2016.
Tuy nhiên với định hướng giữ ổn định, chúng tôi dự báo tiền VND sẽ mất giá từ 2 -3% trong bối cảnh như hiện nay. Còn nếu trong điều kiện có biến động mạnh trên thị trường thế giới như đồngNhân dân tệ phá giá mạnh thì NHNN phải xem xét lại tổng thể cung cầu trên thị trường để đưa ra chiến lược hợp lý nhưng định hướng chung vẫn là giữ ổn định.
Năm 2016 được dự báo là nhiều biến động, vậy theo ông NHNN có nên đưa ra một "quota" cho biên độ tỷ giá như 3 năm trở lại đây không hay để cho thị trường tự điều chỉnh khi có biến động lớn?
Nếu nhìn vào việc đưa ra biên độ trong 3 năm trở lại đây thì việc đưa ra quota biên độ tỷ giá có tác động tích cực là ổn định tâm lý mọi người và NHNN đã thực hiện lời hứa của mình trong những năm vừa qua.
Đối với năm 2016, cuộc chơi có thay đổi, FED đi vào chu kỳ tăng lãi suất,Nhân dân tệ thả nổi theo hướng có tính chất thị trường. Nếu NHNN nếu có đưa ra định hướng thì cũng có tính chất là 1 biên độ nhất định trong điều kiện là thị trường không có biến động lớn.
Còn có biến động nằm ngoài sự kiểm soát của NHNN thì thị trường phải chấp nhận bởi không ngân hàng trung ương nào có thể cam kết sự chắc chắn là sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá một mức nào đó trong bất kỳ tình huống nào.
Tôi nghĩ là có những tình huống sẽ nằm ngoài kiểm soát của NHNN. Do vậy, NHNN thể có những định hướng để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh thị trường không có biến động mạnh. Đây cũng là mục tiêu mà NHNN đưa ra để duy trình sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam.
Thị trường mấy ngày vừa qua cũng có biến động, theo ông đây là tâm lý thị trường hay do cung cầu có sự mất cân đối?
Sau khi NHNN can thiệp mạnh mẽ cách đây 1 tháng cộng thêm việc ban hành Thông tư 15 thì nhu cầu của thị trường ở đây là nhu cầu thực. Các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhu cầu mua hàng cho dịp cuối năm.
Thứ hai là xuất phát từ nền kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi trở lại nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị tăng lên. Rất nhiều doanh nghiệp trước đây không dám mở rộng nhà xưởng, không dám mở rộng sản xuất thì bây giờ mọi người đang rất tự tin mở rộng nhà xưởng để đón đầu chu kì kinh tế mới của Việt Nam. Cầu ngoại tệ này xuất phát chính từ nhu cầu thực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông, từ nay đến cuối năm tỷ giá có thể giữ ổn định được không khi mà biến động thị trường có vẻ ngày càng sát trần?
Năm 2015 vẫn sẽ ổn vì giờ đã tháng 12 rồi, mặt bằng tỷ giá cũng đang ở mức dưới trần. Việc điều hành tỷ giá cũng rất quyết liệt khi nhu cầu thị trường cao lên thì NHNN đã mạnh tay bán ngoại tệ ra. Đây cũng là thông điệp rất rõ ràng của NHNN là ổn định trong năm 2015.
Còn trong năm 2016, có một điểm đáng mừng đó là cán cân thương mại của Việt Nam đang dương và đó là lợi thế. Tuy nhiên, NHNN cần phải tính tới việc định giá đồng VND ở mức nào để tạo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Vì như năm 2015 tiền Ringgit (Malaysia) phá giá hơn 10%, đồng Ruby (Indonesia) phá giá 15%. Bản thân các nước đó cũng xuất những mặt hàng giống Việt Nam ra các thị trường các nước phát triển. Như vậy thế mạnh xuất khẩu của mình có suy giảm hay không?
Tất nhiên bản thân tỷ giá không phải là giải pháp duy nhất cho hàng xuất khẩu vì còn đi kèm là uy tín của thương hiệu, nguồn cung cấp hàng… những yếu tố đó cần phải giải quyết chứ không chỉ yêu cầu phá giá tiền đồng mới xuất khẩu được.
Liệu có xảy ra tình huống vừa ra bước sang đầu năm tài chính 2016 là NHNN điều chỉnh tỷ giá không?
Trong quý I/2016 có điều chỉnh hay không thì còn phải tính. Với dự kiến trong năm 2016 có biên độ khoảng 2-3% thì việc sử dụng biên độ đó vào thời điểm nào là bài toán của NHNN phải tính.
NHNN không muốn tạo sự kỳ vọng thị trường và nếu điều chỉnh luôn thì có thể tạo sự kỳ vọng của thị trường về việc tiếp tục phá giá tiền VND. NHNN vẫn muốn có sự chủ động trong việc phát tín hiệu ra thị trường, có nghĩa NHNN muốn chủ động điều tiết thị trường hơn là để thị trường điều khiển lại mình.