Tỷ giá tăng cũng không đáng ngại

Tỷ giá tăng cũng không đáng ngại

Việc Thống đốc phát biểu về tỷ giá là một nguồn tin chính thống đáng tin cậy nên giới đầu cơ cũng tích cực hoạt động, tăng cường mua vào.

Xung quanh những biến động mạnh về tỷ giá trong mấy ngày vừa qua, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng-tài chính.

PV: Những ngày gần đây, tỷ giá USD ở Việt Nam đang biến động mạnh, tính từ 1/10 đến hết ngày 3/10, tỷ giá USD được niêm yết tăng tới 85 đồng. Đây là một mức tăng hiếm thấy. Theo ông, tại sao tỷ giá lại tăng mạnh như vậy?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, tỷ giá tăng mạnh là do nhiều ngân hàng muốn đóng trạng thái. Các ngân hàng không thể mua bán trạng thái ngoại tệ âm, dương vượt quá tỷ lệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ấn định. Các ngân hàng đang có nhu cầu lớn mua ngoại tệ vào.

Ngoài ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình có nói sẽ điều chỉnh tỷ giá ở mức 1-1,43%, tức là từ giờ đến cuối năm còn 0,43% để điều chỉnh. Đây là một nguồn tin chính thống đáng tin cậy nên giới đầu cơ cũng tích cực hoạt động, tăng cường mua vào để khi có biến động lớn hơn sẽ bán ra thu lợi nhuận.

Tôi cho rằng đây là hai nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ giá tăng mạnh trong mấy ngày gần đây. Riêng về kinh tế vĩ mô, tôi không nhìn thấy lực cung cầu nào có thể đẩy thị trường ngoại hối tăng lên.

PV: Ngày 29/9 vừa qua Thống đốc NHNN có nối sẽ điều chỉnh tỷ giá trong 1-1,43%, tức là còn 0,43% điều chỉnh đến cuối năm. Việc điều chỉnh tỷ giá này có khả năng đạt được không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, mức 0,43% có khả năng sẽ điều chỉnh được mặc dù không ai có thể nói trước sẽ điều chỉnh được bao nhiêu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chỉ nói điều chỉnh trong mức tối đa vậy thôi. Tỷ giá điều chỉnh như thế nào là tùy thuộc vào độ cung cầu của thị trường.

Tôi cho rằng có điều chỉnh tỷ giá cũng không phụ thuộc vào lực của lạm phát, mặc dù lạm phát của Việt Nam có tăng nhưng ở mức rất thấp. Tuy nhiên, trên thế giới đồng USD tỏ ra vững vàng vào lúc này. Qua những biến động chính trị, xã hội đồng USD đang tỏ ra ổn định hơn so với đồng tiền của các nước khác. Hiện tại, đồng Việt Nam tương đối ổn định do tỷ lệ lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp.

Chẳng hạn, tỷ lệ lạm phát 5%, đồng Việt Nam sẽ mất giá 5% trong khi đó ở Mỹ ổn định ở mức mất giá 2% tức là đồng Việt Nam vẫn trên giá đồng USD là 3%. Chính vì vậy, đồng Việt Nam cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tỷ lệ lạm phát của đất nước. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thấp, đồng Việt Nam ổn định nhưng so với đồng USD vẫn chưa bằng nên việc điều chỉnh tỷ giá là điều đương nhiên.

PV: Nhiều chuyên gia dự báo tỷ lệ lạm phát những tháng cuối năm sẽ lên mức 3-4%. Việc này có kéo theo lãi suất giảm không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi luôn đề nghị lãi suất phải giảm từ nay đến cuối năm từ 0,5-1%. Thứ nhất, giảm lãi suất huy động khiến lãi suất cho vay cũng giảm theo, điều này làm chi phí vốn giảm giúp các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Đặc biệt, NHNN nên suy xét thả nổi lãi suất vì lạm phát rất thấp rồi. Đây là thời điểm vàng để tự do hóa lãi suất. 

Tất nhiên, việc thả nổi lãi suất ngân hàng có thể làm ảnh hưởng đến các ngân hàng yếu kém nhưng đây là việc cần làm để thoát khỏi cơ chế bao cấp. Thống đốc cũng bàn đến việc thả nổi lãi suất cách đây vài năm. Nếu không thả nổi được lãi suất cũng nên cho lãi suất được điều chỉnh để giảm lãi suất huy động.

PV: Nếu lãi suất giảm có sợ tỷ giá tăng sẽ khiến người dân đổ xô đi mua USD không thưa ông? Việc này sẽ ảnh như nào đến kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất giảm dẫn đến tỷ giá tăng sẽ làm cho đồng USD trở nên hấp dẫn hơn. Dĩ nhiên sẽ có rủi ro nhất định nhưng khả năng tỷ giá tăng sẽ xảy ra bởi nhu cầu mua ngoại tệ đang tăng cao. Về đầu cơ, lãi suất giảm chắc chắn giới đầu cơ sẽ tăng cường mua vào, tuy nhiên, tự bản thân nền kinh tế sẽ điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp nên việc này không đáng lo ngại nhiều.

Xét ở mức độ ảnh hưởng, tỷ giá tăng rất tốt cho xuất khẩu, người xuất khẩu bán ra nhận bằng giá USD khi quy đổi ra tiền Việt sẽ có lợi nhuận lớn hơn. Nhưng với nhập khẩu, các nhà nhập khẩu phải mua với giá USD. Từ đó, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên. Điều này có thể tạo ra sóng, tác động đến tỷ lệ lạm phát chung của nền kinh tế.

Xin cám ơn ông!

>>>Tại sao tỷ giá lại biến động mạnh? 

Hướng Dương