Tỷ giá, lãi suất: Đến hẹn lại lên

Tỷ giá, lãi suất: Đến hẹn lại lên

(NDH) Kinh tế vĩ mô 2015 theo đánh giá của cơ quan quản lý, cũng như tổ chức tài chính khá tích cực với điểm sáng tăng trưởng GDP, lạm phát thấp. Tuy nền tảng vĩ mô ổn định nhưng tỷ giá, lãi suất lại không hề yên ả trong những ngày cuối năm.

Lạm phát thấp, nhưng lãi suất không giảm

Theo số liệu được TCTK công bố, CPI tháng 11 tăng 0,07% so với tháng 10, thấp hơn mức dự báo trước đó là 0,1 – 0,2%. Với mức tăng thấp như vậy, CPI so với cùng kỳ tăng 0,34% và tăng 0,58% so với đầu năm. Đây là mức tăng thấp nhất trong 14 năm qua. Lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm ngoài là 2,08%. Có thể nói, nguy cơ về lạm phát cao trong năm 2015 đã không còn.

Tuy nhiên, mức lạm phát thấp của tháng 11 còn do Bộ Y tế tạm thời dừng kế hoạch tăng giá một loạt chi phí y tế như kế hoạch trước đó. Đây được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 11 thấp hơn dự đoán của các chuyên gia cũng như tổ chức tài chính.

Nếu như lạm phát tăng thấp được coi là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô thì ở góc nhìn của nhà sản xuất lại cho thấy dấu hiệu sự khó khăn. Chỉ số PMI tháng 11 đã thấp hơn 50 điểm, lần thứ 2 trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng giảm dẫn đến số lượng đơn đặt hàng mới giảm, và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm tháng thứ sáu liên tiếp.

Ông Andrew Harker, chuyên gia của Markit, nhận định lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện đang trải qua một thời kỳ đình trệ khi các công ty khó bảo đảm nhận được các hợp đồng mới. Tình trạng suy giảm này đang ảnh hưởng lên thị trường lao động, khiến việc làm giảm lần đầu tiên trong vòng 8 tháng.

CPI tăng thấp, sản xuất cho dấu hiệu suy giảm nhưng lãi suất lại tăng. Khởi động từ các NHTM quy mô nhỏ như DongABank, Vietcapitalbank sau lan đến nhóm NHTM trung bình như Sacombank, Techcombank cuối cùng ngày 6/11 ông lớn Vietinbank cũng điều chỉnh lãi suất huy động. Lãi suất đầu vào tăng chắc chắn lãi suất đầu ra dành cho doanh nghiệp sẽ khó giảm, thậm chí có thể điều chỉnh tăng trong thời gian tới.

Diễn biến tương tự đang xảy ra trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất cho vay qua đêm và kỳ hạn 1 tuần tiếp tục tăng lên mức 3 – 3,3%/năm từ ngưỡng 2 – 2,6%/năm của tuần trước đó. Việc lãi suất liên ngân hàng tăng ở kỳ hạn qua đêm, 1 tuần cho thấy thanh khoản hệ thống có thời điểm không thật sự dồi dào mặc dù NHNN đã bơm vào hệ thống hơn 22 ngàn tỷ đồng thông qua đáo hạn tín phiếu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một nguyên nhân khiến thanh khoản VND của hệ thống khó khăn chính là sự khó lường của tỷ giá.

Tỷ giá dập dình tăng

Như đã nói ở trên, để bình ổn tỷ giá NHNN đã phải bán ra một lượng không nhỏ ngoại tệ cho các NHTM. Hệ quả tiền đồng bị hút về và đã có thời điểm thanh khoản căng thẳng, khiến lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tăng lên. Tuy nhiên, bất chấp việc ngân hàng trung ương tung ngoại tệ ra bình ổn, tỷ giá vẫn lừ lừ tăng. Đầu tháng 11, tỷ giá VND/USD giao dịch quanh ngưỡng 22.300 đồng/USD đến cuối tháng tất cả các ngân hàng đều niêm yết sát trần, ở mức 22.540 đồng/USD. Dưới sức ép từ tỷ giá, NHNN đã triệu tập cuộc họp cùng các NHTM nhưng dường như không có gì mới. Thông điệp vẫn là giữ ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép, tỷ giá căng thẳng vẫn do yếu tố tâm lý.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố tâm lý như đánh giá của cơ quan quản lý thì tỷ giá trong nước tăng trong thời điểm hiện tại còn vì nhiều nguyên nhân khác. Thứ nhất, tháng 12 FED sẽ có cuộc họp quyết định lãi suất đồng USD mà theo nhiều chuyên gia cũng như tín hiệu từ chính cơ quan này, lãi suất sẽ tăng. Do đó, USD đã tăng giá trên thị trường quốc tế, thực tế đang ở mức cao nhất trong 8 tháng qua. Trong khi đó, NDT lại tiếp tục suy giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng. Điều này đương nhiên tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá VND/USD

Cùng với đó, cuối năm là thời điểm nhu cập nhập khẩu hàng hóa tăng cao gây sức ép lên cầu ngoại tệ khiến tỷ giá khó “đứng im”. Tỷ giá USD trên thị trường không chính thức đã vượt và liên tục duy trì trên mức 22.600 đồng/USD.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Ngân hàng ngoại thương – VCBS thì tỷ giá là yếu tố cần quan tâm đặc biệt trong những tháng cuối năm. VCBS cũng “kỳ vọng” tỷ giá có thể ghi nhận lần điều chỉnh tăng ngay trong tháng 1/2016. Nhận định này cũng khá tương đồng với SSI Research khi cho rằng, dù chịu nhiều áp lực nhưng trong ngắn hạn đến cuối năm 2015 NHNN đủ sức để “giữ đúng cam kết”.

Với diễn biến trong những ngày qua có thể thấy, dù cơ quan quản lý đã có nhiều cố gắng trong điều hành nhưng vẫn chưa thể “cầm cương” được lãi suất, tỷ giá. Doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn nên xây dựng cho mình nhiều kịch bản kinh doanh, đầu tư để thích ứng với sự nóng lạnh bất thường từ 2 yếu tố này.