Sáng nay, Ngân hàng HSBC phát đi thông cáo Bộ Tài chính, đại diện cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã ủy quyền cho các ngân hàng Deutsche Bank, HSBC và Standard Chartered tổ chức chương trình giới thiệu tới các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu bắt đầu từ thứ tư, ngày 29/10/2014.
Thông tin này cũng được đăng tải trên Reuters ngày 28/10.
Theo đó các buổi roadshow sẽ diễn ra tại Singapore vào 29/10, Hongkong vào 30/10, London là 31/10 và tại 3 thành phố của Hoa Kỳ là là Boston (3/11), New York (4/11), San Francisco (5/11).
Như vậy, sau 4 năm kể từ lần phát hành trái phiếu quốc tế gần nhất, Việt Nam quay lại thị trường trái phiếu quốc tế với hy vọng sẽ thỏa thuận được giao dịch hoán đổi ít tốn kém hơn so với trái phiếu phát hành trước.Đợt phát hành này nhằm hoán đổi trái phiếu của Chính phủ đã phát hành năm 2005 và năm 2010.
Được biết, tại Nghị quyết Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý thực hiện phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế sau khi được Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1 (ổn định) và S&P xếp hạng BB- (ổn định).
Dự kiến đợt chào bán sẽ thực hiện theo A114A/S Reg S tùy theo điều kiện thị trường
Vào năm 2005, Chính phủ đã huy động được 750 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế tại Sở giao dịch chứng khoán New York, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,125%/năm.
Như vậy, số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Chính phủ cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)- nay là SBIC, vay lại toàn bộ số tiền huy động được bằng số trái phiếu trên và khoản vay đã không được Vinashin sử dụng hiệu quả.
Đến năm 2010, Chính phủ lại phát hành tiếp trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore với lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm, huy động về 1 tỷ USD. Số tiền này được Chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước lớn là Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Vinalines... vay lại.