TS Vũ Đình Ánh: Tín dụng chỉ nên tăng 10%

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn kiên trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 là 12%, song TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tăng trưởng 10% là hợp lý. Nếu tín dụng tăng 12-14% sẽ có nguy cơ nới lỏng tiền tệ quá mức.

TS. Vũ Đình Ánh: Tín dụng chỉ nên tăng 10%
TS. Vũ Đình Ánh: Tín dụng ngoại tệ tăng 20% không đáng lo

Tín dụng cho nền kinh tế 9 tháng qua vẫn tăng thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Để lưu thông dòng vốn tín dụng trong những tháng cuối năm, theo ông những giải pháp hiện nay của NHNN đã đủ chưa, hay cần phải có thêm giải pháp nào?

Tín dụng có thể tác động đến tất cả các khâu, các yếu tố của tăng trưởng kinh tế, nhưng chỉ là sự tác động gián tiếp.

Hướng của tín dụng trong năm 2014 là tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng hơn là chạy theo quy mô, số lượng tăng tín dụng.

Cần phải rút ra bài học từ việc tăng trưởng nóng của tín dụng trong những năm trước đây. Theo tôi, để chính sách tín dụng có hiệu quả hơn thay vì chạy đua theo mục tiêu 12-14%, nên tập trung hướng vào hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng đối với từng bộ phận sử dụng vốn tín dụng, kể cả khu vực nhiều rủi ro như bất động sản, hay chứng khoán, giúp cho các doanh nghiệp có thể thay đổi các công nghệ, tiếp cận các công nghệ mới hay là tạo ra các sản phẩm hàng hóa mới, có sức cạnh tranh cao, tiếp cận với thị trường mới.

Theo NHNN, tính đến ngày 22/9/2014, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 20,77%, trong khi tín dụng bằng VND tăng 4,39%, Ông đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh như vậy?

Theo tôi, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh trong thời gian gần đây không đáng lo ngại, vì trong thời gian qua, lãi suất tiền đồng vẫn được duy trì ở mức cao hơn nhiều so với ngoại tệ cùng với việc tỷ giá được duy trì ở mức ổn định, nên các cá nhân và tổ chức sẽ có sự dịch chuyển tiền gửi từ ngoại tệ sang tiền đồng, đồng thời vay tín dụng ngoại tệ có sức hấp dẫn cao.

Ngoài ra, xét về mặt bản chất, tín dụng ngoại tệ chủ yếu là phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu, trong khi xuất khẩu trong vài năm trở lại đây tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhờ đó các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ khá ổn định để trả nợ vay, không tạo áp lực cho các ngân hàng phải bán ngoại tệ cho doanh nghiệp để trả nợ vay như trước đây. Như vậy, có thể khẳng định rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trả nợ, bán lại cho ngân hàng, nên tín dụng ngoại tệ tăng không có gì là bất thường và phải lo ngại.

Tôi cho rằng, việc NHNN trong thời gian qua cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế không những không gây lo lắng cho thị trường tín dụng, mà vẫn nằm trong các giải pháp điều hành linh hoạt có kiểm soát của NHNN.

Ông nhận định thế nào về tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2014?

Trong 9 tháng đầu năm 2014, tín dụng tăng trưởng 7,26% và đặc biệt trong đó tăng trưởng tín dụng nội tệ thấp hơn nhiều so với tín dụng ngoại tệ, và như vậy thì dù đẩy mạnh tín dụng và tính thêm cả khoản có tính chất tín dụng thì tăng trưởng tín dụng năm 2014 sẽ tương tự như năm 2012, 2013, khoảng 10% tôi cho mức này là hợp lý.

Nếu như đẩy lên 12-14% rất dễ xảy ra tình trạng nới lỏng tín dụng quá mức, tức là không tuân thủ, nới lỏng các điều kiện về tín dụng và thậm chí có thể xảy ra trường hợp các doanh nghiệp không có nhu cầu về vay vốn tín dụng, nhưng ngân hàng thương mại cứ cố cấp vốn tín dụng để đạt mục tiêu về tăng trưởng tín dụng thì có thể sẽ gây ra những hậu quả xấu liên quan tới những rủi ro cho bản thân hệ thống cũng như chính người nhận tín dụng, bởi nếu như họ không sử dụng hiệu quả mà vẫn nhận tín dụng thì rõ ràng họ sẽ chịu gánh nặng hay nghĩa vụ nợ gốc cũng như nợ lãi trong khi họ lại không sử dụng tốt được.

Từ giờ đến cuối năm 2014, theo tôi, tốc độ tín dụng sẽ tăng nhanh hơn hẳn so với nửa đầu năm, điều này cũng là thông lệ trong mấy năm gần đây, tuy nhiên, tốc độ tăng được coi là hợp lý, khả thi và hạn chế được rủi ro chung cho hệ thống tín dụng và cho nền kinh tế thì chỉ nên ở khoảng 10%.