TS Cấn Văn Lực: Nên có cơ chế chia lỗ các khoản nợ xấu

TS Cấn Văn Lực: Nên có cơ chế chia lỗ các khoản nợ xấu

Đây là đề xuất của TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giá mua và giá bán khoản nợ xấu để tạo động lực cho các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Trả lời câu hỏi: "Để xử lý nợ xấu thì nguồn vốn ở đâu ra?", TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế - Giám đốc trường Đào tạo cán bộ BIDV, cho rằng: "Có bốn nguồn tiền xử lý nợ xấu. Thứ nhất là ngân sách nhà nước với trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng. Thứ hai là nguồn phát hành trái phiếu. Thứ ba, lấy "mỡ nó rán nó", nợ xấu mua về để quay vòng vốn. Thứ tư là dùng phương pháp tận thu, bán tài sản đảm bảo, tái cơ cấu và thu lãi, xử lý khoản nợ còn lại".

Theo TS Lực, đến hết ngày 30.9.2015, nợ xấu đã đưa về 3% theo đúng kế hoạch đề ra. Tính đến nay Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã xử lý được hơn 13 nghìn tỉ đồng (khoảng 6,3% tổng nợ xấu đã được mua). TS Lực bày tỏ băn khoăn về việc nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giữa giá mua nợ xấu và giá bán "Chúng ta cần tư duy thị trường hơn, lỗ cũng chịu, lãi cùng chia. Nếu mua nợ 70 đồng, bán được 75 đồng thì 5 đồng lãi kia cùng chia. Tương tự như vậy với các khoản lỗ. Đấy mới là cơ chế thị trường và là động lực cho các TCTD làm việc".

TS Cấn Văn Lực cho rằng nếu để việc xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường và các TCTD phải gánh 100% khoản lỗ rủi ro thì sẽ xảy ra ba trường hợp. Thứ nhất, các TCTD sẽ thiếu động lực khi bán nợ cho VAMC. Thứ hai, việc đạt được sự đồng thuận của TCTD và VAMC về giá bán cũng là một khó khăn. Ví dụ, khi VAMC bán tài sản với giá 50 đồng, nhưng TCTD lại không đồng ý vì bị lỗ 20 đồng so với giá mua. Thứ ba, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn trích lập dự phòng rủi ro, thời gian để các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và có thể kéo dài từ 5 - 10 năm (tùy theo chấp thuận của VAMC). Vậy 10 năm sau mới xử lý được nợ xấu. Mà thực tế, nợ càng để lâu thì việc xử lý càng tốn kém và gây tắc nghẽn tín dụng.

Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: "Tôi đồng ý quan điểm cần có chia sẻ trong khoản lỗ. Trong khi Việt Nam chưa xây dựng được thị trường mua bán nợ thì NHNN cần có những hoạt động để kích thích thị trường".

Xử lý nợ xấu - khổ trăm bề

TS Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết: "Chưa bao giờ chuyện xử lý nợ xấu lại ngược đời như hiện nay. Con nợ đi vay lại có quyền mặc cả với bên cho vay tiền. Nhiều trường hợp khách hàng chây ì, kiên quyết chỉ trả tiền nợ gốc chứ không chịu trả lãi. Điều này khiến tôi rất bất bình. Khi khách hàng gửi tiền thì các TCTD phải trả từng xu tiền lãi. Nhưng đến khi khách hàng vay tiền của các TCTD thì không chịu trả tiền lãi". Khách hàng lợi dụng việc bán nợ cho VAMC để không hợp tác với TCTD, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn - giảm lãi trong khi không có phương án kinh doanh khả thi, không đáp ứng được điều kiện theo quy định. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng tới công tác thu hồi nợ theo ủy quyền của VAMC đối với TCTD.

Đến nay, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt 13.320 tỉ đồng. Trong đó, 66,2% khoản nợ là bất động sản, 8% là tài sản trên đất, 4,6% là phương tiện vận tải…

Một vấn đề nữa là hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua - bán nợ xấu. Đối tượng được mua - bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật, cụ thể, Luật Đầu tư năm 2014 quy định: "Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện" và Luật 69/2014/QH13 quy định: "Doanh nghiệp được quyền bán nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ. Giá bán do các bên thỏa thuận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình". Như vậy, VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua - bán nợ.