Trung Quốc và khả năng hạ lãi suất xuống 0%

Trung Quốc và khả năng hạ lãi suất xuống 0%

(NDH) Liệu Trung Quốc có đang trên xu thế giảm lãi suất xuống gần 0% như một số quốc gia đã làm?

Chính sách giảm lãi suất xuống gần 0% (ZIRP) thường là giải pháp cuối cùng mà chính phủ muốn áp dụng. Những nước đã từng sử dụng biện pháp này như Mỹ, Nhật Bản và khu vự Eurozone chỉ thực hiện sau khi họ đã dùng tất cả những biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tỷ lệ lãi suất của một số nền kinh tế

Động thái hạ lãi suất lần thứ 4 trong vòng 8 tháng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), kết hợp với những chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí vay rất cao cho các doanh nghiệp, đã thúc đẩy tranh cãi về việc liệu chính quyền Bắc Kinh có áp dụng ZIRP trong tương lai hay không.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói rằng nước này có nhiều công cụ chính sách để có thể xử lý tình hình nên họ sẽ không chọn biện pháp kích thích mạnh. Chính quyền Bắc Kinh đã cam kết duy trì mục tiêu kinh tế vĩ mô nên họ sẽ áp dụng các chính sách linh hoạt.

Những lời tuyên bố này cho thấy Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp cân bằng hơn là những chính sách mạnh tay như ZIRP.

Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường cũng nhận định việc duy trì tốc độ tăng trưởng là điều bắt buộc với kinh tế Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia phân tích, lý do này có thể khiến ZIRP trở thành hiện thực trong tương lai.

Chuyên gia phân tích Chen Long của Gavekal Dragonomics nhận định rằng Trung Quốc sẽ áp dụng ZIRP nếu tình hình kinh tế và xu thế chính sách hiện nay vẫn không thay đổi.

Theo ông Chen, nếu kinh tế Trung Quốc thỏa mãn 3 điều kiện trong 2-3 năm tới thì ZIRP có khả năng được áp dụng. Thứ nhất, tăng trưởng GDP giảm 2-3 điểm phần trăm xuống 4%. Tiếp đó, lạm phát ở mức thấp hoặc mức âm. Cuối cùng, nếu chính phủ vẫn duy trì chính sách quản lý nợ hiện tại (thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, thu hút vốn từ chứng khoán để trả nợ và tái cơ cấu nợ) thì ZIRP rất có thể sẽ được áp dụng trong tương lai.

Một số chuyên gia không đồng tình với quan điểm trên. Họ cho rằng ZIRP có khả năng làm giảm tỷ lệ tiết kiệm của người dân, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các ngân hàng, qua đó làm tổn thương đến nguồn tài chính tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các doanh nghiệp. Một nhược điểm nữa là khi đồng Nhân dân tệ giảm giá (lãi suất giảm thường khiến đồng tiền mất giá), tình trạng bong bóng trên các thị trường có xu hướng phình lên và cản trở nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát ngành bất động sản.

Ở chiều hướng tích cực, ZIRP sẽ làm giảm các khoản thanh toán lãi suất tín dụng của doanh nghiệp, mà theo ước tính của McKinsey đã lên mức 125% GDP.

Chuyên gia Zhang Chenghui của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (DRC) cảnh báo rằng lãi suất của các công ty Trung Quốc trong năm nay (ước tính khoảng 6,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ) có thể thấp hơn khoản lãi suất tín dụng thực phải thanh toán của các doanh nghiệp (ước tính khoảng 8 nghìn tỷ Nhân dân tệ).

Trong tình hình hiện nay, nếu Trung Quốc tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất thì tình hình sẽ trở nên khó dự đoán. Động thái hạ 115 điểm phần trăm lãi suất trong 8 tháng qua đã khiến lãi suất cho vay tại đây giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,85%. Lãi suất tiền gửi 1 năm xuống 2%, chỉ cao hơn mức thấp kỷ lục 1,98% của năm 2004. Vì vậy, nếu tình hình tại Trung Quốc vẫn tiếp tục theo xu hướng trên thì lãi suất huy động có thể xuống gần 0% trong vài năm tới.

Trụ sở của PBOC

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á của Mizuho Securities, ông Shen Jianguang, dự đoán rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách nởi lỏng tiền tệ, nhưng thay vì hạ lãi suất, PBOC có thể sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

“Sau 3 lần hạ lãi suất từ đầu năm đến nay…chúng tôi dự đoán sẽ không có thêm đợt cắt giảm nào nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dự đoán rằng sẽ có thêm 2-3 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nữa”- ông Shen nói.