Hôm nay 24/10, Trung Quốc chính thức thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với tổng vốn 50 tỷ USD. Đây được xem là động thái mang tính thách thức các tổ chức tài chính toàn cầu, như Ngân hàng Thế giới (WB) của chính phủ Trung Quốc.
Số vốn ban đầu của AIIB sẽ là 50 tỷ USD, phần lớn là từ Trung Quốc. Nước này cũng hy vọng con số này sẽ nhanh chóng tăng lên 100 tỷ USD sau đó. Với số vốn trên, AIIB có quy mô gần bằng 2/3 quy mô của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng tài sản 165 tỷ USD. Cũng giống như WB, Trung Quốc cho rằng, ADB chịu ảnh hưởng quá lớn từ Nhật Bản và Mỹ.
AIIB sẽ tập trung xây dựng "con đường tơ lụa mới", nói cách khác là mở ra tuyến đường thương mại mới với châu Âu. Dự án này sẽ bắt đầu với việc xây dựng hệ thống đường sắt trực tiếp nối liền Bắc Kinh và Baghdad.
Hiện tại, chỉ có 20 nước nhỏ đồng ý trở thành thành viên đồng sáng lập AIIB do cuộc vận động hành lang dữ dội của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn các nước đăng ký tham gia vào tổ chức mới này.
Lần đầu tiên khi công bố kế hoạch thành lập AIIB vào năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã chủ động gửi thư mời tới nhiều nước trên toàn thế giới. Ngay từ đầu, kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ từ một số nước châu Âu cũng như Australia, Indonesia và Hàn Quốc. Sau đó vì Mỹ gây sức ép nên vào thời điểm đó, không một quốc gia nào dám tham gia vào kế hoạch này dù một số nước vẫn bày tỏ mong muốn gia nhập vào AIIB.
Theo nguồn tin thân cận, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất đăng ký gia nhập AIIB trong buổi lễ khai trương tại Đại sảnh đường Nhân dân (Great Hall of the People) ở Bắc Kinh vào buổi sáng ngày 24/10.
Ngoài ra, Mông Cổ, Uzbekistan, Kazakhstan, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Oman, Kuwait, Qatar và toàn bộ thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (trừ Indonesia) cũng sẽ gia nhập AIIB. Trong đó, có 3 nước vẫn đang đợi quyết định từ cơ quan chính phủ cao nhất tính đến tối ngày 22/10. Giải thích lý do không tham gia vào sự kiện lần này, đại diện của Indonesia cho biết, tân chính phủ vẫn chưa có đủ thời gian xem xét kế hoạch của Trung Quốc vì vướng cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 7.
Trên thực tế, Trung Quốc quyết định thành lập ngân hàng mới là bởi nước này vốn xem những tổ chức tài chính lớn hiện nay chỉ là công cụ điều khiển thế giới của Mỹ và các đồng minh.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, Trung Quốc và Mỹ đã và đang chơi trò "mèo vờn chuột" trong vài tháng gần đây khi hai bên ra sức kéo thêm đồng minh về phía mình. Các quan chức Mỹ cho biết, sẽ kịch liệt phản đối kế hoạch nhằm phá hỏng những tiêu chuẩn về môi trường, tiêu dùng và nhân quyền - những yều cầu tối quan trọng mà WB và ADB đang buộc phải thực hiện. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại cho rằng, Mỹ chỉ đang kìm hãm sự phát triển của toàn cầu, nhằm thực hiện tham vọng thống trị châu Á.
Sự ra đời của AIIB và ngân hàng của khối BRICS rõ ràng là thách thức lớn đối với hệ thống tài chính vốn được thiết lập tại Bretton Woods cách đây 70 năm về trước, theo Học giả Matthew Goodman tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington nhận định.