Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ tăng 0,54% so với USD.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2005, khi chính quyền Bắc Kinh bỏ việc neo đồng Nhân dân tệ vào đồng bạc xanh của Mỹ.
Đồng Nhân dân tệ hiện giao dịch quanh 6,34 Nhân dân tệ/USD, so với mức 6,33 Nhân dân tệ ghi nhận cùng thời điểm ngày thứ Sáu tuần trước, khi đồng tiền này tăng 0,6%. Có thời điểm, Nhân dân tệ tăng lên tận 6,32 Nhân dân tệ/USD, mức cao nhất kể từ vụ phá giá hồi tháng 8.
Hiện tại, Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ giao dịch trên thị trường ngoại hối nội địa với biên độ +/-2% quanh tỷ giá tham chiếu.
Trước đó, hồi tháng 8, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ chỉ trong 1 tuần, và PBOC cho biết đó là một phần của chương trình cải cách chung nhằm chuyển đổi sang một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, hành động đó đã làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hoạt động kém hơn con số công bố và chính quyền Trung Quốc đang tìm cách giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này trở nên cạnh tranh hơn.
Hành động của Trung Quốc diễn ra khi nước này đang tìm cách biến Nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cập nhật rổ riền dự trữ mang tên “quyền rút vốn đặc biệt” của mình 5 năm một lần. Lần cập nhật tiếp theo sẽ diễn ra trong tháng 11.
Bước đi của Trung Quốc có thể là một biện pháp của chính quyền Bắc Kinh nhằm thuyết phục IMF đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền này.
Theo một chuyên gia phân tích của ngân hàng Bank of Communications, kinh tế Trung Quốc đang ổn định trở lại, do đó kỳ vọng về việc tiếp tục phá giá đã suy yếu kể cả ở trong và ngoài Trung Quốc.
Ngoài ra, ý định về chính sách của chính quyền Trung Quốc rất rõ ràng, họ đang cố gắng duy trì một thị trường ngoại hối ổn định và dẫn dắt thị trường vì sự ổn định là điều quan trọng để Nhân dân tệ được đưa vào rổ tiền tệ của IMF.