Tình trạng rút vốn khỏi Trung Quốc đã gia tăng mạnh kể từ khi ngân hàng trung ương nước này (PBOC) bất ngờ điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá ngày 11/8/2015 và phá giá đồng Nhân dân tệ, qua đó tác động mạnh đến thị trường hàng hóa, chứng khoán quốc tế cũng như thị trường tiền tệ của các nước mới nổi.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cố gắng trấn an nhà đầu tư bằng cách tuyên bố Trung Quốc là động lực cho tăng trưởng kinh tế chứ không phải là nguyên nhân cho các rủi ro. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có những tuyên bố tương tự khi đang thăm chính thức Mỹ trong tuần này.
Theo chuyên gia tư vấn cho PBOC, ông Huang Yiping, và cũng là giáo sư của trường đại học Bắc Kinh, trong tình hình kinh tế chịu nhiều áp lực như hiện nay, việc Trung Quốc nới lỏng thị trường đầu tư sẽ khiến dòng vốn rút khỏi nước này ngày càng nhiều. Nếu dòng vốn tiếp tục rút mạnh khỏi Trung Quốc trong tương lai, điều này sẽ tạo áp lực vô cùng lớn cho nền kinh tế.
Một phân tích khác của hãng Goldman Sachs cho thấy có khả năng tổng số tiền rút khỏi thị trường Trung Quốc trong tháng 8/2015 đã đạt 178 tỷ USD. Trong khi đó, một nguồn tin của Bloomberg cho biết các công ty Trung Quốc hiện đang cố gắng giảm tỷ lệ vay nợ xuống thông qua việc thanh toán bằng những đồng ngoại tệ khác ngoài đồng USD, đồng thời vay lại trong nước với mức lãi suất thấp hơn.
Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong năm nay đang khiến đồng USD tăng giá và làm chi phí thanh toán các khoản nợ ngoại tệ tăng theo. Tuyên bố mới đây nhất của Chủ tịch FED Janet Yellen cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ vẫn đang trong lộ trình nâng lãi suất từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, bà Yellen cũng thừa nhận rằng những biến động bất ngờ trong nền kinh tế có thể khiến FED thay đổi kế hoạch.
Trong bải trả lời phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra 3 lý do chính khiến dự trữ ngoại hối của nước này giảm giá. Đầu tiên là sự dịch chuyển một phần tài sản dự trữ ngoại hối từ PBOC sang các ngân hàng thương mại trong nước. Nguyên nhân tiếp theo là sự gia tăng đầu tư hoạt động kinh doanh tại nước ngoài của các công ty Trung Quốc. Cuối cùng là việc các doanh nghiệp trong nước giảm vay nợ bằng ngoại tệ.
Hiện chính quyền Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát thị trường vốn. Gần đây, cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đã có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với giao dịch ngoại hối tại các ngân hàng thương mại của nước này.
Trung Quốc hiện đang cố gắng nới lỏng thị trường đầu tư để Nhân dân tệ có thể đáp ứng đủ điều kiện và được đưa vào rổ dự trữ các đồng tiền chủ chốt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong khi đó, quốc gia này vẫn phải ngăn chặn tình trạng thoái vốn khỏi nền kinh tế hiện đang tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990. Những nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng cường đa dạng hóa các khoản đầu tư vào tài sản tại nước ngoài sau khi chứng khoán nước này suy giảm hơn 40% kể từ mức đỉnh ngày 12/6/2015.
Hãng tin Bloomberg nhận định việc chính quyền Bắc Kinh cố gắng ngăn chặn đà giảm giá của Nhân dân tệ đã khiến dự trữ ngoại hối của nước này suy giảm mạnh kỷ lục trong tháng 8/2015. Bên cạnh đó, khả năng FED nâng lãi suất khiến các dòng vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc cũng làm PBOC gặp khó khăn hơn khi đưa ra các chính sách kinh tế.