Bên cạnh đó, S&P cũng cho rằng việc các doanh nghiệp thực hiện các dự án nhờ trình kích thích kinh tế khổng lồ trước đây mà không đem lại hiệu quả kinh tế sẽ khiến Trung Quốc khó cứu các doanh nghiệp này hơn, đặc biệt là trong tình hình kinh tế trì trệ hiện nay.
Tháng 11/2008, Trung Quốc đã công bố một chương trình kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ để duy trì tốc độ tăng trưởng.
S&P cho biết những ngành có lượng tài sản nhiều và có vốn lớn là những ngành chịu rủi ro tài chính nhiều nhất khi kinh tế hạ nhiệt mạnh.
Theo chuyên gia phân tích Christopher Lee của S&P, những công ty ngành kim loại và khai thác mỏ, kỹ thuật, xây dựng và vận tải đang yếu hơn rất nhiều so với năm 2013.
Ngập trong nợ nần
S&P không đưa ra con số cụ thể, nhưng hãng cho biết số nợ ròng của 200 công ty mà hãng khảo sát năm 2013 cao hơn 5 lần so với năm 2007.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng những khoản nợ khổng lồ xuất phát từ gói kích thích này đã cản trở Trung Quốc trong việc thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của mình.
S&P cho biết những ngành vay nợ nhiều nhất là những ngành có khả năng sinh lợi thấp nhất và khả năng tài chính yếu kém nhất, bao gồm ngành đường sắt, kim loại, khai thác mỏ, dịch vụ tiện ích, bất động sản và vật liệu xây dựng.
Theo S&P, việc các công ty nhận gói kích thích không đem lại khả năng sinh lợi cao hơn mà chỉ có tác dụng kích thích ngắn hạn bằng việc tăng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2010.
S&P dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống khoảng 7,1% trong năm 2015, nhưng cũng có khả năng chỉ còn 6%.
Họ cũng dự đoán xếp hạng tín nhiệm của các công ty ngành xây dựng cơ bản, bất động sản và vật liệu xây dựng có thể bị giảm một bậc, còn các công ty ngành khai khoáng, vận tải, kỹ thuật và xây dựng có thể bị giảm 1-2 bậc.