Theo Market Watch, nhà đầu tư đang gặp rủi ro khi tiếp tục bỏ qua những yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc với hy vọng rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ “làm mọi thứ cần thiết” để phục hồi tăng trưởng. Trong khi đó, nền kinh tế của cường quốc Châu Á này vẫn không hề phản ứng với những chính sách kích thích của các cơ quan nhà nước. Nhiều chuyên gia cho rằng việc neo đồng Nhân dân tệ ở mức cao bất hợp lý là nguyên nhân chính cho tình trạng trên.
Gần đây, đồng Nhân dân tệ đang thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi có nhiều dự đoán cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ là ngân hàng trung ương mới nhất thực hiện chính sách nới lỏng định lượng. Mặc dù dự đoán trên đã bị phủ nhận, nhưng điều này vẫn cho thấy dấu hiệu về sự khó xử của chính quyền Bắc Kinh khi họ tìm cách nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng tín dụng và bong bóng bất động sản.
Giới phân tích dự đoán các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tiến thoái lưỡng nan trước tình trạng “Bộ ba bất khả thi”, một học thuyết kinh tế trong đó cho rằng nếu chính phủ phải đối mặt với nhiệm vụ duy trì tỷ giá hối đoái, lãi suất và thúc đẩy dòng chảy tài chính tự do thì họ chỉ có thể kiểm soát được 2 trong 3 yếu tố vào cùng một thời kỳ.
Quy tắc này nghe qua có vẻ bất ngờ với một chính phủ như Trung Quốc, nơi chính quyền có sức kiểm soát sâu rộng đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế. Tuy nhiên, đây lại là sự thực.
Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nhận định Trung Quốc đang phải vật lộn với 2 mục tiêu trái ngược nhau. Một mặt, chính quyền Bắc Kinh phải nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn đưa đồng Nhân dân tệ thoát khỏi cái bóng của đồng USD, vốn đang tăng giá do tình hình khả quan của kinh tế Mỹ.
Kết quả là những chính sách nhằm giữ giá đồng Nhân dân tệ đã tác động ngược lại với việc cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy kinh tế của PBOC.
Ngoài ra, ngân hàng Merrill Lynch cũng đặt ra nghi vấn về việc liệu Trung Quốc có thể thực hiện kế hoạch hạ lãi suất mà không làm đồng tiền giảm giá hay không? Trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại thời gian gần đây, nhiều chuyên gia dự đoán chính quyền Bắc Kinh có thể thực hiện một chương trình nới lỏng định lượng để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, liệu đồng Nhân dân tệ có duy trì được tỷ giá hối đoái khi thực hiện động thái này không.
Tình hình hiện nay của Trung Quốc khá trái ngược với thời gian trước đây. Khi đó, đồng Nhân dân tệ ở mức cao, thặng dư gấp đôi tại tài khoản vãng lai và các dòng vốn ở Trung Quốc, vì vậy không có nhiều áp lực khi duy trì tỷ giá. Hiện tại, thặng dư tài khoản vãng lai vẫn còn nhưng đã bị thu hẹp. Trong khi đó, các dòng vốn đã đảo ngược, rút ra khỏi thị trường. Ngân hàng PBOC đã phải bán ngoại tệ trong quý 4/2014 lên đến 133 tỷ Nhân dân tệ và quý I/2015 là 252 tỷ Nhân dân tệ nhằm duy trì tỷ giá.
Theo Merrill Lynch, khi Trung Quốc giảm lãi suất nhằm thực hiện nới lỏng tiền tệ, dòng vốn rút ra khỏi thị trường này sẽ vẫn ở mức cao như hiện tại hoặc thậm chí tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, khi chính quyền Bắc Kinh muốn can thiệp để nâng giá đồng Nhân dân tệ thì họ buộc phải giới hạn cung tiền, đi ngược lại chính sách nới lỏng trên.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã từng phát biểu rằng Trung Quốc không muốn thấy đồng Nhân dân tệ giảm giá bởi điều đó có thể dẫn đến “chiến tranh tiền tệ.”
Một đồng Nhân dân tệ mạnh là mục tiêu chính trị quan trọng của Trung Quốc. Nước này muốn quốc tế hóa đồng nội tệ của mình và biến đồng tiền này thành một trong những đồng tiền dự trữ quốc tế. Trước đây, cường quốc Châu Á này đã từng nhiều lần bày tỏ sự thất vọng đối với sự thống trị của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ phải suy nghĩ lại nếu mục tiêu này có nguy cơ đưa nền kinh tế vào tình trạng giảm tốc sâu hơn.
Trong vài tuần vừa qua, một số biện pháp như cắt giảm thuế đầu tư bất động sản đã được ban hành, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy bởi những động thái này. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) được chính phủ Trung Quốc công bố cho tháng 4/2015 là 50,1 điểm, không thay đổi nhiều và cho thấy khu vực sản xuất vẫn bị đình trệ. Trong khi đó, một báo cáo khác của ngân hàng HSBC cho thấy chỉ số PMI của Trung Quốc tháng 4/2015 là 48,9 điểm, dưới mức tiêu chuẩn 50 điểm.
Hơn nữa, tình hình xuất khẩu tháng 3/2015 cũng không khả quan khi giảm 15%. Điều này cho thấy việc duy trì tỷ giá cao của đồng Nhân dân tệ đang làm tổn thương ngành này do hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt hơn.
Các quan chức chính phủ Trung Quốc biện luận rằng đồng Nhân dân tệ mạnh sẽ tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc trong quá trình chuyển sang tập trung vào tiêu thụ nội địa, do hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, nhập khẩu vào thị trường này cũng suy giảm trong tháng 3/2015 với mức giảm 12,7% và là tháng giảm thứ 3 liên tiếp.
Trên thực tế, đồng Nhân dân tệ được duy trì ở mức cao có thúc đẩy tiêu thụ của người dân Trung Quốc, nhưng không phải trên thị trường nội địa. Những số liệu mới nhất của tờ Finanacial Times cho thấy chi tiêu nước ngoài của khách du lịch Trung Quốc đạt 3,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2014, một con số rất cao.
Duy trì tỷ giá hối đoái là mục tiêu quan trọng của Trung Quốc. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế cũng không kém khi mục tiêu này sẽ cung cấp việc làm và duy trì hài hòa xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đối phó với gánh nặng tín dụng của mình, đặc biệt là khi sự suy giảm trong ngành công nghiệp lây lan sang các khu vực kinh tế khác.
Hãng Merrill Lynch cho rằng dòng chảy nguồn vốn cũng đóng vai trò quan trọng khi xem xét các chính sách kinh tế. Việc giảm lãi suất và thị trường chứng khoán tăng trưởng chậm lại sẽ khiến nhà đầu tư Trung Quốc chuyển vốn ra nước ngoài.
Nếu tình trạng trên xảy ra, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tình trạng “Bộ ba bất khả thi.” Khi đó, mục tiêu duy trì đồng tiền mạnh có thể sẽ phải hy sinh để các chính sách nới lỏng tiền tệ có hiệu quả. Nhiều chuyên giá cho rằng nhà đầu tư sẽ ít ngạc nhiên khi Trung Quốc trở thành quốc gia mới nhất thực hiện chương trình nới lỏng định lượng.
Theo tờ Market Watch, nếu tình trạng trên xảy ra thì có thể nguồn vốn từ Trung Quốc đại lục sẽ đổ vào tài sản Hồng Kông (cả bất động sản và cổ phiếu) và đẩy tỷ giá đồng Đôla Hồng Kông (HKD) lên cao so với Nhân dân tệ.
Tỷ giá HKD/Nhân dân tệ 6 tháng qua