Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa quyết định cắt giảm lãi suất cho vay đi 25 điểm cơ bản xuống 4,35%/năm, đồng thời giảm lãi suất tiền gửi từ 1,75% xuống 1,5%/năm.
Việc giảm lãi suất chính sách này áp dụng với các doanh nghiệp và với các mục đích thương mại, không áp dụng với các khoản vay thế chấp bất động sản.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng động thái này là nhằm thúc đẩy tăng trưởng và ngăn chặn nguy cơ bong bóng nhà đất tiềm tàng hiện đang có diễn biến xấu đi tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ bỏ trần lãi suất tiền gửi. Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng đối với chính quyền trung ương trong cam kết thực hiện tự do hóa thị trường tài chính của mình. Trong quá khứ, quyết định về lãi suất của các ngân hàng Trung Quốc thường phải phụ thuộc vào PBOC và thông báo trên thể hiện một sự thay đổi lớn.
PBOC cũng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng đi 50 điểm cơ bản.
Quyết định nới lỏng chính sách của Trung Quốc diễn ra ngay trước khi Kỳ họp thứ năm của Ủy ban Trung ương thứ 18 khai mạc vào ngày 26/10, trong đó 200 nhà hoạch định chính sách quyền lực nhất của nước này sẽ bàn bạc về các mục tiêu kinh tế, xã hội, chính trị cho 5 năm tới. Thị trường tài chính dự kiến sẽ theo sát các diễn biến của phiên họp này.
PBOC cho biết việc cắt giảm lãi suất là nhằm giúp nền kinh tế điều chỉnh theo sự chuyển dịch về cơ cấu từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang phụ thuộc vào tiêu dùng. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,9% trong quý III/2015, thấp hơn mục tiêu 7% của chính quyền Bắc Kinh.
Trong thông báo của mình, PBOC viết: “Tình hình trong và ngoài nước vẫn phức tạp và tăng trưởng kinh tế vẫn chịu áp lực xấu. Cần có 1 chính sách tiền tệ linh hoạt… để tạo ra một môi trường tiền tệ và tài chính thuận lợi cho tái cơ cấu cũng như cho sức khỏe và sự ổn định của nền kinh tế.”
Chuyên gia kinh tế trưởng của PBOC, ông Ma Jun, cho biết nền kinh tế thực của Trung Quốc vẫn chịu áp lực xấu đi đáng kể trong khi lạm phát giá bán buôn vẫn tăng, nên cần phải điều chỉnh một cách hợp lý lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Một chuyên gia kinh tế của HSBC đánh giá ngân hàng trung ương Trung Quốc không chỉ đang nới lỏng chính sách tiền tệ, mà còn đang tự do hóa hệ thống tài chính, đồng thời dự báo Trung Quốc có thể sẽ còn cắt giảm thêm lãi suất trong thời gian tới.
Thị trường toàn cầu đang hoan nghênh quyết định nới lỏng chính sách của Trung Quốc. Các nhà đầu tư hy vọng hành động của Trung Quốc và việc ám chỉ khả năng tung ra thêm kích thích từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ thúc đẩy dòng vốn trở lại thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều và kết quả cuộc họp chính sách sắp tới của Fed.
Thị trường toàn cầu dự đoán Fed sẽ bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, do đồng Nhân dân tệ dự kiến sẽ giảm giá so với USD sau quyết định hạ lãi suất của Trung Quốc, nhiều người kỳ vọng Fed trong cuộc họp tuần này sẽ có thể bật tín hiệu sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian lâu hơn.
Một chuyên gia kinh tế của Kotak Mutual Fund dự báo rằng khi đồng Euro đang yếu đi và Trung Quốc đang hạ giá đồng tiền của mình, khả năng Fed sẽ không vội tăng lãi suất.
Nhiều người kỳ vọng dòng vốn sẽ quay trở lại thị trường mới nổi sau khi cổ phiếu tại thị trường này bị bán mạnh trong tháng 8 và tháng 9.