Sáng nay (28/5), NHTMCP Hàng hải - MSB tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua KQKD 2014 cùng kế hoạch kinhh doanh 2015 và một số nội dung quan trọng khác.
Tại thời điểm đại hội được chính thức diễn ra có 106 đại biểu và ủy quyền tham dự, đại diện cho 76,54% cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo báo cáo HĐQT MSB, năm 2014 các chỉ tiêu về kinh doanh hầu hết không đạt kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua. Cụ thể, doanh thu thực hiện/ kế hoạch chỉ đạt 93,3%; lợi nhuận trước thuế bằng 98,2% kế hoạch.
Tỷ lệ nợ xấu là 2,61% giảm so với mức 2,71% của năm 2013, với nợ từ nhóm 3-5 là 1.436 tỷ đồng, đạt mục tiêu dưới 3%.
Tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm 2014 là 722 tỷ đồng, tăng 221% so với năm 2013.
Dư nợ cho vay chủ yếu vẫn là tín dụng doanh nghiệp chiếm 87,6% tổng dư nợ.
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là 13.371 tỷ đồng trong đó 3.953 tỷ đồng là trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Năm 2015, MSB đặt kế hoạch tổng tài sản là 109,5 nghìn tỷ, tăng 5% so với 2014. Dư nợ tín dụng dự kiến 42 nghìn tỷ, tương đương mức tăng trưởng tín dụng 6,8%. Lợi nhuận trước thuế là 165 tỷ đồng, tăng 1,9% so với mức thực hiện năm 2014.
Cũng theo kế hoạch được HĐQT báo cáo ĐHĐCĐ thì ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức.
Báo cáo tại đại hội, ông Đào Trọng Khanh - Phó chủ tịch thường trực Maritimebank cho biết ngân hàng tái cấu trúc hoạt động đầu tư.
'' Chúng tôi tái cấu trúc theo hướng tập trung vào trái phiếu Chính phủ đem lại lợi tức cao, thoái bớt vốn tại ngân hàng Quân đội" - ông Khanh cho biết
Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Đại hội lần này là Báo cáo tiến độ sáp nhập chính thức MDB vào Maritime Bank và mua lại Công ty cổ phần Tài Chính Dệt May (TFC).
Kế hoạch sáp nhập MDB vào Maritimebank được Thống đốc chấp thuận nguyên tắc từ ngày 18/3/2015; còn kế hoạch mua lại TFC cũng đã nhận chấp thuận nguyên tắc của NHNN từ ngày 13/02/2015.
Hiện MSB đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của NHNN. Dự kiến việc mua lại TFC và việc sáp nhập chính thức MDB vào Maritime Bank sẽ được tổ chức thực hiện cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2015, sau khi được NHNN chấp thuận chính thức.
HĐQT cũng trình đại hội miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT và bầu bổ sung 2 thành viên là ông Đỗ Lam Điền - Phó TGĐ thường trực MDB và bà Dương Hồng Loan - Phó chủ tịch HĐQT TFC.
Một số nội dung thảo luận cổ đông quan tâm
Cổ đông hỏi: Tại sao Ngân hàng lại tiếp tục không chia cổ tức?
Đại diện Maritimebank trả lời:
Trong năm 2015, như quý vị đã biết, NHNN đã kiểm soát và chỉ đạo cụ thể về việc chia cổ tức của các Ngân hàng theo định hướng quan tâm nhiều hơn tới việc giữ lại nguồn lực tài chính để tái đầu tư tạo sự ổn định và bền vững hơn cho hệ thống khi tình hình kinh tế còn chưa thực sự khởi sắc, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc không chia cổ tức phản ánh tình hình chung của hầu hết các Ngân hàng trong tình hình hiện nay
Với MSB, với quan điểm thận trọng trong việc trích lập dự phòng cũng như tái đầu tư cho sự phát triển an toàn và bền vững của Ngân hàng, bảo đảm quyền lợi dài hạn cho cổ đông nên trong năm nay toàn bộ lợi nhuận còn lại sẽ được giữ lại để tái đầu tư tạo đà phát triển cho Ngân hàng khi kinh tế khởi sắc.
Tại sao lợi nhuận năm 2014 của MSB lại thấp nhiều so với 2013?
Trong kết quả kinh doanh của MSB 2014, chúng tôi đã đạt được một số kết quả khả quan
NH đã chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng tăng trưởng nguồn không kỳ hạn từ các tổ chức kinh tế và dân cư với tỉ trọng 20,6% tổng huy động thị trường 1 tăng 7% so với 2013, giúp giảm chi phí đầu vào. Song song với đó, tỉ trọng tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và phát hành trái phiếu huy động trung dài hạn chiếm tỉ trọng 40,5% tăng 28,6% so với 2013 tạo nguồn vốn ổn định trong trung dài hạn cho Maritime bank;
Các hoạt động thu phí từ dịch vụ tài chính NH đã được chú trọng mang lại nguồn thu ổn định và bền vững, theo đó tỉ lệ tăng lên tới 197% so với 2013;
Chi phí hoạt động giảm 237 tỉ đồng tương đương với mức giảm 14% so với năm 2014
Lợi nhuận trước thuế trước dự phòng đạt 985 tỉ tăng 103,6% so với 2013 .
Việc trích lập đầy đủ dự phòng một cách thận trọng trong năm 2014 ở mức 722,5 tỉ đồng tăng 221,8% so với 2013 đã ảnh hưởng tới chỉ số lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết nhằm đảo bảo sự an toàn và phát triển bền vững hơn của MSB trong tương lai.
Tại sao quá trình sáp nhập MDB vào MSB kéo dài tới 1 năm mà vẫn chưa xong, liệu có vấn đề gì mà chưa thực hiện được?
Trong kỳ Đại hội đồng Cổ đông quý 1/2014 chúng tôi đã được Đại hội phê chuẩn việc sáp nhập MDB vào MSB.
Tới tháng 3/2015 sau khi hoàn thiện hồ sơ sáp nhập theo quy định, chúng tôi đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc cho sáp nhập MDB và MSB.
Hiện nay toàn bộ khâu chuẩn bị hồ sơ xin sáp nhập chính thức đã cơ bản hoàn tất, ngay sau khi nhận được sự đồng thuận của Đại hội đồng Cổ Đông lần này chúng tôi sẽ nộp hồ sơ tới NHNN và dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 việc sáp nhập sẽ chính thức được phê chuẩn.
Tại sao tỉ lệ hoán đồi cổ phiếu MDB và MSB lại là 1:1, như vậy liệu có thiệt thòi cho cổ đông của MSB không?
Hoạt động của MDB đang ổn định, việc sáp nhập MDB chắc chắn sẽ giúp MSB mở rông quy mô mạng lưới và những lợi thế đã được thiết lập tại MDB đặc biệt nguồn lực tài chính của MDB, mạng lưới tại Đồng bằng sông Cửu long, và các sản phẩm dịch vụmảng Ngân hàng bán lẻ tới các khách hàng cá nhân, khách hàng hộ kinh doanh, tiểu thương, nông nghiệp nông thôn.
Khi quyết định tỉ lệ hoán đổi 1:1 chúng tôi căn cứ trên giá trị sổ sách đã được kiểm toán của hai Ngân hàng, các giá trị về thương hiệu, sản phẩm, mạng lứoi, kinh nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ,…và xác địnhgiá trị cổ phiếu của cả 2 Ngân hàng là tương đương nhau, và tỉ lệ hoán đổi này sẽ không gây xáo trộn về cơ cấu cổ đông cũng nhưhoạt động kinh doanh trong và sau khi sáp nhập.
Bao giờ ngân hàng niêm yết?
Để niêm yết, ngân hàng căn cứ vào yếu tố thị trường và nội tại ngân hàng. Theo chiến lược hoạt động năm 2015 - 2016 là giai đoạn kiện toàn hoạt động sau khi sáp nhập MDB và TFC. Như thế, có thể đến cuối năm 2016 thì MSB sẽ có quy mô lớn hơn, khả năng tạo doanh thu, lợi nhuận tốt hơn thì ngân hàng sẽ xem xét.
MSB mấy năm liền không chia cổ tức, tại sao lại nhận sáp nhập MDB và mua TFC?
Việc sáp nhập MDB vào MSB là tự nguyện, còn bản thân MDB là ngân hàng hoạt động bền vững, tỷ lệ nợ xấu cuối 2014 dưới 3%. MSB cũng là cổ đông lớn của MDB, tỷ lệ sở hữu 10% có cùng tầm nhìn, chiến lược phát triển kinh doanh tập trung vào hộ tiểu thương, cho vay tiêu dùng,..vì vậy việc sáp nhập sẽ gia tăng giá trị cho MSB.
Còn với TFC, MSB mua trở thành công ty con để phát triển mảng cho vay khách hàng cá nhân, tiêu dùng theo chiến lược phát triển của ngân hàng, cũng như định hướng của NHNN. TFC là công ty tài chính lành mạnh, có tổng tài sản 687 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2014 là 27 tỷ đồng, nợ xấu khoảng 20 tỷ đồng.
Tại sao huy động thị trường I giảm, thị trường II lại tăng?
Năm 2015 thanh khoản khá tốt, đầu ra hạn chế trong cơ sở thận trọng. Vì thế, với thị trường I, MSB không đặt mục tiêu tăng huy động mà giảm chi phí nguồn vốn, nên đẩy huy động không kỳ hạn khiến có thể suy giảm.
Với thị trường II, ngân hàng tận dụng cơ hội lãi suất thấp trên thị trường đề kinh doanh ngắn hạn, đảm bảo sinh lời cho đồng vốn ngân hàng.
Tiếp tục cập nhập