Làn sóng giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, MB… lại tiếp tục được khởi động với biên độ nhẹ, khoảng 0,1 - 0,3%. Liệu lần cắt giảm này có tác động tới lãi suất cho vay?
Theo phân tích của giới chuyên gia, lần giảm lãi suất này của các ngân hàng nhằm mục đích cải thiện lợi nhuận chứ không phải để giảm lãi suất cho vay. Để cải thiện lợi nhuận, ngân hàng đã sử dụng công cụ lãi suất của các kỳ ngắn hạn để chơi trò “lãi suất” nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Làn sóng giảm lãi suất Cuối tuần qua, một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Agribank đã điều chỉnh giảm 0,2 - 0,3%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3 - 6 tháng, riêng Agribank là kỳ dưới 12 tháng. Xu hướng này còn diễn ra ở cả ngân hàng thương mại cổ phần như ABBank với khoảng 0,2%/năm kỳ hạn 3 tháng, Eximbank khoảng 0,2%/năm kỳ hạn 3 - 12 tháng, MB khoảng 0,1 - 0,2%/năm các kỳ hạn dưới 12 tháng…
Đây là lần thứ 2 trong 3 tháng trở lại đây thị trường đón nhận thông tin giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng. Trước đó, hồi đầu tháng 9, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, ACB, Eximbank… công bố giảm lãi suất.
Lần giảm lãi suất này khiến thị trường kỳ vọng sẽ có mặt bằng lãi suất cho vay mới, bởi mới đây, tại phiên trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cho biết lãi suất cho vay sẽ giảm khoảng 0,5 - 1% từ nay đến cuối năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2 – 0,3% ở các kỳ hạn. Một số ngân hàng tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm.
Vậy nhưng theo giới chuyên gia, lãi suất cho vay khó mà giảm xuống mặt bằng lãi suất mới, nếu có thì chỉ một vài ngân hàng điều chỉnh mà cũng không phải là đồng loạt, chỉ dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể.
“Việc cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng không hướng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà nhằm giảm chi phí đầu vào để cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh cho vay vẫn chưa khả quan”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Theo ông, cắt giảm lãi suất huy động thời điểm này là hợp lý bởi đây là thời điểm sôi động nhất của hoạt động tín dụng.
“Có vẻ như các ngân hàng đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện tín dụng khó tăng trưởng mạnh. Họ đang sử dụng độ chênh kỳ hạn để tối đa hóa lợi nhuận. Độ chênh giữa tài sản có và tài sản nợ càng cao thì ngân hàng càng lãi lớn”, vị này bình luận.
Cụ thể, nếu thời gian huy động càng ngắn và thời gian cho vay càng cao với một món tiền thì các ngân hàng càng tối đa hóa lợi nhuận. Cụ thể, với khoản tiền 100 triệu được khách hàng gửi với kỳ hạn 3 tháng với lãi suất khoảng 5,5%/năm và ngân hàng đem số tiền này cho khách hàng vay với lãi suất 8%/năm kỳ hạn 12 tháng tỷ suất lợi nhuận không phải chỉ là 2,5%.
Nếu ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống 5% cho kỳ hạn 3 tháng, thì mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động sẽ là 3% cho khoảng vay 100 triệu đồng đó. Đây chính là “chiêu” tối đa hóa lợi nhuận của các ngân hàng.
“Đấy chính là lý do vì sao mà nhiều ngân hàng thường đẩy mạnh giảm lãi suất huy động kỳ ngắn hạn. Thời gian huy động càng ngắn và thời gian cho vay càng dài thì ngân hàng lãi càng cao”, vị này bình luận.
Lợi nhuận sẽ khả quan Bằng động thái giảm lãi suất huy động, các ngân hàng kỳ vọng mức chênh lệch lãi suất (NIM) sẽ cải thiện. Bởi theo tính toán của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ NIM của ngành ngân hàng ngày càng giảm, điều này ảnh hưởng đến năng lực tài chính của tổ chức tín dụng cũng như khả năng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
“Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm các ngân hàng công bố , tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2014 của hầu hết các ngân hàng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Thu thập số liệu từ 15 tổ chức tín dụng, tỷ lệ NIM trung bình của 15 tổ chức tín dụng này trong 6 tháng đầu năm 2014 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2013”, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tính toán.
Theo phân tích của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, lãi suất huy động có điều kiện để giảm tiếp do sự ổn định của lạm phát ở mức thấp, khoảng 3 - 4% trong năm 2014. Vậy nhưng, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nói rằng khó có thể giảm lãi suất huy động bởi có thể ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các ngân hàng do lãi suất thấp.
Việc giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức 6% như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tạo điều kiện để các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao cho dù bản thân họ đã có điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng lãi suất huy động phải giảm khoảng 0,5% từ nay đến cuối năm. Việc giảm lãi suất huy động khiến lãi suất cho vay cũng giảm theo, điều này làm chi phí vốn giảm giúp các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động còn có thể giảm nữa, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó giảm. Việc hai kênh lãi suất không giảm cùng một nhịp sẽ giúp các ngân hàng cải thiện lợi nhuận.
“Để hạn chế việc trục lợi lãi suất của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động. Đây không phải là việc làm quá khó nếu cơ quan này thực sự muốn thúc đẩy tín dụng và san sẻ bớt chi phí vay vốn cho doanh nghiệp”, vị chuyên gia bình luận.
Thực tế này phần nào lý giải được khoản lãi của các ngân hàng trong điều kiện tín dụng tăng trưởng thấp trong 9 tháng đầu năm 2014. Cụ thể, 9 tháng đầu năm TPBank đạt lợi nhuận lũy kế 9 tháng (sau khi đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro) là 447 tỷ đồng, hoàn thành 102% mức kế hoạch 438 tỷ đồng mà TPBank đã đề ra trước đó.
Hay như Vietcombank, theo tính toán của CTCK Bảo Việt, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm dự tính là 3.207 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng khiêm tốn này là do Vietcombank phải trích lập dự phòng rủi ro 1.250 tỷ đồng trong quý III/2014. Nợ xấu dự báo tăng nhẹ lên trên 3%.
Điều này cũng cho thấy một sự thật là ngân hàng chưa “hy sinh” một phần lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn. Vẫn biết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cần phải có lợi nhuận, nhưng với mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp sống thì ngân hàng khỏe.
Tại sao ngân hàng không bớt chút lợi nhuận để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thiết nghĩ, bài học về lãi suất “chợ đen” trong hệ thống ngân hàng năm 2008 còn chưa giải quyết xong hệ lụy.
Theo Trần Giang