Trả phí nợ trước hạn là gì?
Người đi vay phải trả phí trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn là quy định phù hợp với thực tế vì khi cho khách hàng vay, ngân hàng đã cân đối nguồn vốn huy động của mình cả về lãi suất và kỳ hạn để đáp ứng yêu cầu của khoản vay. Đồng thời, trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, ngân hàng cũng phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn mà họ đã huy động để cho khách hàng vay. Do vậy, việc thu phí trả nợ trước hạn là biện pháp cần thiết nhằm bù đắp những khoản chi phí phát sinh, những rủi ro về lãi suất, cân đối nguồn vốn do khách hàng trả nợ trước hạn.
Khi hỏi về các mức phí liên quan đến tín dụng, một nhân viên Techcombank PGD Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, phí trả nợ trước hạn của ngân hàng này là 3% (2 năm đầu tiên), 2% (cho những năm tiếp theo) trên số nợ gốc được trả trước. Ví dụ lịch trả nợ cam kết mỗi tháng trả đều 10 triệu đồng trong thời gian 7 năm (món vay 840 triệu), nếu có một tháng bất kỳ nào đó, khách hàng trả 50 triệu đồng (vượt 40 triệu đồng so với lịch trả nợ), số tiền phạt trả nợ trước hạn sẽ là 1,2 triệu đồng (số nợ gốc trả trước 40 triệu đồng x 3%).
Cũng vậy, mức phí phạt trả nợ trước hạn của một PGD Viettinbank trên đường Ngô Quyền (Đà Nẵng) là 2%/số tiền trả nợ trước hạn. Nhân viên một Chi nhánh Ngân hàng BIDV trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng) cho biết, mức phí trả nợ trước hạn của ngân hàng này là 0,03% nhân với số tiền và số kỳ trả nợ trước hạn. Tương tự, ngân hàng SCB cũng áp dụng mức phí trả trước 0,15% trên số tiền và thời gian trả nợ trước hạn.
Khách hàng cần nắm rõ cách tính phí trả nợ trước hạn khi ký hợp đồng. |
Phản ánh ngay nếu bị ép phí cao
Tuy nhiên, trên thực tế, một số ngân hàng còn sử dụng tùy tiện mức phí này để tối đa hóa các nguồn thu trong lúc kinh doanh đang gặp khó khăn. Mức phạt phí trả nợ trước hạn có thể lên tới 8 - 9% trên số dư nợ gốc còn lại. Như trường hợp một khách hàng tại TPHCM đã bị ngân hàng tính khoản phạt trả nợ trước hạn lên đến 248 triệu đồng cho khoản vay 2,8 tỷ đồng sau khi ký hợp đồng được 5 tháng.
Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân khiến người vay phản ứng là do trước khi ký kết hợp đồng tín dụng, người vay không nắm bắt được cách thức tính toán, tỷ lệ phạt, mức phạt trả nợ trước hạn là bao nhiêu? Trên thực tế, rất ít ngân hàng nêu cụ thể vấn đề này trong hợp đồng vay vốn, chỉ nêu chung chung, không rõ ràng, mập mờ kiểu như "mức phí phạt trả nợ trước hạn được áp dung theo quy định của ngân hàng".
Chính vì vậy, đến khi trả nợ, khách hàng mới tá hỏa khi số tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Mới đây thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã lên tiếng khuyến nghị "nếu TCTD tính phí trả nợ trước hạn quá cao, người dân cần phản ánh ngay để tính toán, điều chỉnh".
Nhằm bảo vệ người đi vay, NHNN nên quy định các khoản phí trả nợ phải được thông báo rõ, cụ thể, có phụ lục kèm theo hợp đồng để khách hàng biết trước khi vay vốn. Đối với ngân hàng, các chi phí liên quan đến việc trả nợ trước hạn, cán bộ tư vấn phải có trách nhiệm cung cấp, giải thích đầy đủ các thông tin để đảm bảo khách hàng có thể so sánh, đánh giá các khoản phí có phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình trước khi quyết định vay vốn.
Cách tính phí trả nợ trước hạn phải được niêm yết rõ ràng, công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giới thiệu dịch vụ và trên website của ngân hàng. Có như vậy, khách hàng mới tin tưởng, an tâm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng, kích thích tăng trưởng tín dụng.