Trong đó, vốn huy động bằng nội tế chiếm gần 85% tổng vốn huy động. Theo Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương.
Mặc dù tổng vốn huy động đạt khá cao nhưng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố chỉ tăng 6,47%. Tức là tính đến cuối tháng 10 tổng dư nợ đạt 1.104.500 tỷ đồng. Theo đó, dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên 134 ngàn tỷ đồng, tăng 6,43%. Trong đó, vay hỗ trợ DN vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt gần 67%. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố còn triển khai đẩy tiền vào thị trường thông qua các chương trình nhà ở, vay tiêu dùng.
Trước tình trạng dư nợ tín dụng tại TP. HCM tăng trưởng thấp, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ quan ngại khi tăng trưởng tín dụng 10 tháng chưa đạt 50% so với mục tiêu đề ra. Theo ông Quân, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của thành phố đề ra là 12 – 16%/năm, nhưng đến chỉ tiêu trên chỉ dừng lại ở mức 6,47%. Điều này chứng tỏ DN chưa hấp thụ được nguồn vốn.
Để dòng tiền vào sản xuất và kinh doanh, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua chương trình kết nối DN với ngân hàng. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM còn chỉ đạo các sở ban ngành cần phối hợp để hỗ trợ DN đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm. Hình thức hỗ trợ DN đổi mới công nghệ cũng chính là phương pháp đẩy tiền từ ngân hàng vào sản xuất kinh doanh.