Tín dụng và chuyện về trái phiếu doanh nghiệp

(NDH) Theo số liệu thống kê từ báo cáo của 12 NHTM, tính đến 30/9, tổng dư nợ TPDN tăng khoảng 26.535 tỷ đồng. Nếu tính tăng trưởng của TPDN vào tín dụng, với 12 NHTM được khảo sát, đã giúp tín dụng tăng thêm 11,6%.

Năm 2014 ngành ngân hàng đối mặt với nhiều thách thức từ câu chuyện tái cơ cấu hệ thống, xử lý nợ xấu cho tới tăng trưởng tín dụng trong đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đươc coi là thách thức rất lớn. Dù vậy, lãnh đạo ngành ngân hàng, cụ thể ở đây là Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều lần khẳng định cũng như thể hiện niềm tin đối với việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Tín dụng: Bất ngờ với SHB và VPBank

Khảo sát 12 NHTM đã công bố báo cáo KQKD quý III, tổng tín dụng tăng trưởng sau 9 tháng đạt 136.377 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa mạnh.

Dẫn đầu nhóm tăng trưởng tín dụng tuyệt đối vẫn là các NHTMCP Nhà nước chi phối gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Khác với mọi năm, trong 9 tháng đầu năm Vietcombank đã vươn lên dẫn đầu nhóm NHTM Nhà nước về tốc độ tăng trưởng tín dụng cả tuyệt đối và tương đối; cụ thể là 10,15% và 27.866 tỷ đồng.

Mặc dù thuộc nhóm các NHTM có thị phần tín dụng cũng như tổng tài sản nhỏ hơn nhiều, nhưng SHB và VPBank cũng đã có tăng trưởng tín dụng tính trên số tuyệt đối rất lớn, gần với mức tăng của nhóm NHTMCP Nhà nước. Ví dụ, như SHB sau 9 tháng tăng trưởng tín dụng 25,6% với giá trị tăng trưởng đạt 19.636 tỷ đồng; hay VPBank tăng trưởng tín dụng 35.11% tương đương với 18.428 tỷ đồng. Hay Sacombank cũng tăng trưởng tín dụng 13.909 tỷ đồng, tương ứng với 12,57%.

Nếu như sự tăng trưởng tín dụng tuyệt đối ở các NHTM Nhà nước dựa trên tổng tài sản cũng như vốn chủ sở hữu lớn là điều dễ hiểu thì việc nhóm NHTM nhỏ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hàm chứa rủi ro không nhỏ.

Đơn cử như SHB, 9 tháng tăng trưởng tín dụng tương đương 12,82% tổng tài sản; còn VPBank cũng tăng trưởng tương đương 12,48%. Còn so với vốn chủ sở hữu thì tăng trưởng tín dụng 9 tháng của SHB và VPBank đều lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều. Nếu chất lượng tín dụng của những NH này kém đi thì sẽ gây áp lực rất lớn đến vốn chủ sở hữu cũng như cổ đông của các NH này.

Riêng với trường hợp NCB, là ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, tổng tài sản còn khá bé thì dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng xét con số tuyệt đối vẫn còn nhỏ

Câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê từ báo cáo của 12 NHTM, tính đến 30/9, tổng dư nợ TPDN tăng khoảng 26.535 tỷ đồng.

Xin lưu ý, số liệu của ACB được tính từ giá trị chứng khoán nợ sẵn sàng để bán và giữ đến ngày đáo hạn; còn số liệu của Pvcombank là giá trị chứng khoán đầu tư tại thời điểm 30/9 với giá trị tại ngày 31/12/2013 do thuyết minh BCTC của 2 NH này không rõ ràng và không công bố. Nếu loại bỏ 2 NH ACB và PVcombank thì giá trị TPDN tăng lên sau 9 tháng đạt 15.933 tỷ đồng.

Với một số NH có mức tăng trưởng âm như Techcombank, Sacombank hay NCB và PGBank không thay đổi thì hầu hết đều có mức tăng từ vài trăm tới vài ngàn tỷ.

Dẫn đầu về mức tăng là BIDV và Vietinbank với 7.221 tỷ đồng và 7.163 tỷ đồng. Tiếp đến là VPBank tăng trưởng so với cuối năm 2013 là 36% tương đương 2.314 tỷ đồng gấp gần 3 lần mức tăng của Vietcombank, 821 tỷ đồng. Thậm chí, giá trị TPDN mà VPBank nắm giữ cũng gần gấp 2 lần của Vietcombank. Cụ thể, tại 30/9/2014, VPBank thuyết minh có 8.724 tỷ đồng TPDN thì tại Vietcombank chỉ có hơn 4.735 tỷ đồng.

Khác với tăng trưởng tín dụng luôn bị “săm soi, để ý”, TPDN là công cụ nợ, tăng trưởng tín dụng ít được chú ý nhưng đôi khi hậu quả để lại cũng không kém đau thương.

Làm sao để đảm bảo DN sử dụng vốn từ phát hành TP đúng mục đích, hiệu quả khó khăn hơn nhiều. Khác với nghiệp vụ tín dụng, vốn giải ngân theo tiến độ dự án thì TPDN được giải ngân một lần và DN toàn quyền quyết định việc sử dụng khi tiền về tài khoản. Và đã có không ít DN sau khi huy động vốn từ TP nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay đã cho DN khác vay lại để kiếm lời hoặc giảm chi phí lãi vay.

Chẳng phải đâu xa, câu chuyện về bầu Kiên cùng nhóm công ty đã phát hành hàng ngàn tỷ TPDN để vay vốn ACB, Southernbank, Vietbank để kinh doanh và rồi thua lỗ khiến không ít người giật mình.

Rủi ro là vậy nhưng các NH vẫn hào hứng với TPDN bởi lẽ lãi suất TP không bị bó buộc bởi quy định về lãi suất như tín dụng, các NH cũng tránh phải mang tiếng cho vay lãi suất cao. Đơn cử như tại MB, đến 30/9/2014 có 2.742 tỷ đồng TPDN có kỳ hạn từ 2-10 năm với lãi suất từ 0 – 17%/năm lãi trả trước hoặc trả hàng năm.

Hơn nữa, TPDN cũng là công cụ giúp cơ cấu không ít khoản tín dụng đáng ra được xếp vào nợ xấu nay chuyển thành nợ được đầu tư dài hạn. Sự ra đi của không ít lãnh đạo NH xuất phát từ chính những câu chuyện như vậy.

Nếu tính tăng trưởng của TPDN vào tín dụng, với 12 NHTM được khảo sát, TPDN đã giúp tín dụng tăng thêm 11,6%. Suy rộng ra toàn hệ thống ngân hàng, tại thời điểm 30/9, NHNN báo cáo tín dụng tăng trưởng 7,26% thì thực tế tín dụng toàn hệ thống đã có thể tăng xấp xỉ 8,05%.

Cùng với lượng vốn TPCP được các NH đầu tư, có lẽ nhận định hoàn thành chỉ tiêu tín dụng 12% của Thống đốc hoàn toàn có cơ sở vững chắc. Còn câu chuyện về những TPDN đầy rủi ro đang nằm trong két NH, có lẽ sẽ trở lại ở một tương lai nào đó chứ chưa phải lúc này !?