Từ những con số này, cho thấy ngành ngân hàng đang tăng tốc để tín dụng kịp về đích trong những tháng còn lại của năm. Với tốc độ giải ngân như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong năm nay có thể đạt được.
Chạy nước rút
Dường như toàn hệ thống ngân hàng đang căng như dây đàn, ai ai cũng nói về tăng trưởng tín dụng, về giải ngân, về khách hàng. Bởi việc đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao không chỉ có được kết quả kinh doanh khả quan mà còn được NHNN cân nhắc cấp quota cấp 1 hoặc cấp 2 trong năm tới.
SeABank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá tốt ngay từ đầu năm. Tính đến thời điểm này, SeABank đã sử dụng hết quota mà NHNN cấp hồi đầu năm, 13% và đã được NHNN tăng thêm quota lên 25%.
Vietcombank cũng là ngân hàng có sự tăng trưởng tín dụng ngoạn mục, khi mà có những bước nhảy mạnh trong tín dụng. Cụ thể, tính đến 30/9, dư nợ cho vay của Vietcombank đạt 300.324 tỷ đồng, tăng 10,1% so với đầu năm. So với con số 6,6%, tương đương 292.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 6, tín dụng đã có bước tăng mạnh, gần 4%. Còn nếu so với con số 3,6 - 3,7%, tương đương 284.000 tỷ đồng, hồi cuối tháng 5/2014, thì là một bước nhảy dài với khoảng gần 7%.
Nhìn vào tần suất những gói tín dụng lãi suất ưu đãi, có thể hiểu ngân hàng đang rất cần DN
Vietinbank cũng đang cho thấy sự tăng tốc trong tăng trưởng tín dụng. Theo ông Phạm Huy Thông, tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đạt 6%, tăng ngoạn mục so với con số 0,45% (theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Vietinbank). Như vậy, chỉ sau 2 tháng, Vietinbank đã chạy marathon tín dụng gần 5%, một sự tăng tốc ngoạn mục...
Tín dụng tăng trưởng tốt là điều đáng mừng cho nền kinh tế, tuy nhiên, trong bối cảnh DN khó khăn, sức hấp thụ vốn chưa có dấu hiệu phục hồi... thì chất lượng tín dụng là một dấu hỏi lớn.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, NHNN lại phát đi thông điệp yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả những khoản vay cũ.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5 -1,5%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
"Bẫy" lãi suất siêu rẻ
Tính đến ngày 18/9, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,25% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013. Dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,16% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
Một chuyên gia ngân hàng nhận định nhiều chương trình cho vay ưu đãi mà giới ngân hàng đang áp dụng hiện nay rất hấp dẫn nên đã khuyến khích người dân, DN đi vay nhưng thực chất không có lợi nhiều cho người đi vay.
Các mức lãi suất hỗ trợ chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó, lãi suất được thả nổi. Thậm chí, nếu không tìm hiểu kỹ, DN sẽ bị "sập bẫy" lãi suất mà ngân hàng "vẽ" ra ban đầu.
"Trên thực tế, không ít khách hàng vay vốn bị rơi vào bẫy lãi suất của những gói ưu đãi mà ngân hàng tung ra. Điều này đã phần nào làm giảm niềm tin của khách hàng, DN với những gói ưu đãi này. Vì vậy, các gói ưu đãi lãi suất hiện nay chỉ nhắm vào giới tiểu thương, cá nhân, DN nhỏ. Còn với DN lớn, họ không mặn mà với những chương trình này do đã được hưởng lãi suất giảm cố định trong cả năm", vị này bình luận.
Nếu nhìn vào tần suất của những gói tín dụng lãi suất ưu đãi được tung ra của các ngân hàng trong năm nay, có thể hiểu ngân hàng đang rất cần DN. Nhưng theo phản ánh của nhiều DN, mặc dù đủ điều kiện vay vốn, DN vẫn trong thế bị ép theo kiểu đưa ra hàng loạt khoản phí, lãi suất vô lý...
Đấy cũng là lý do vì sao DN lại thờ ơ với vốn vay ngân hàng như vậy. Trên thực tế, ngay cả khi khó khăn nhất, ngân hàng bao giờ cũng hành xử theo thế của người "bề trên", còn DN do cần vốn, thiếu tài sản thế chấp, luôn bị ép với những khoản thu vô lý, lãi suất cao ngất... nhưng vẫn phải "gật đầu".
Thực tế này đã được nhiều chuyên gia phản ánh và tình trạng ngân hàng ứ vốn, doanh nghiệp "đói meo" vẫn diễn ra một cách mặc nhiên, mà cơ quan quản lý vẫn không có cách nào giải quyết.
Dù tăng trưởng tín dụng đã khả quan, nhưng tín dụng vẫn còn cách đích khá xa, với khoảng 5 - 7%. Điều này cũng có nghĩa, tốc độ tăng trưởng tín dụng của 3 tháng cuối năm sẽ phải đạt gần bằng 9 tháng đầu năm mới hoàn thành mục tiêu.