Đó là chưa kể tốc độ tăng GDP không chỉ phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Như năm 2007, tăng trưởng tín dụng lên đến 51,39% nhưng GDP chỉ là 8,48%. Con số tương ứng của năm 2009 là 37,73% và 5,32%; năm ngoái là 12,52% và 5,42%. Năm nay, chín tháng đầu năm tín dụng tăng 7,26%, còn GDP tăng 5,62%.
Những con số trên cho thấy, hiệu quả tín dụng như thế nào mới là điều quan trọng. Tăng trưởng tín dụng dù thấp nhưng đúng mục tiêu vẫn cho ra kết quả tăng GDP đáng khích lệ, chứ không cần phải có một mức tăng trưởng tín dụng thật ấn tượng.
Vậy nên, thay vì quan trọng hóa việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14%, các nhà điều hành nên phân tích dòng tiền tín dụng từ ngân hàng thời gian qua đã góp phần chuyển dịch sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế như thế nào.
Cũng cần nhắc lại rằng từ hơn hai năm nay, các chính sách được ban hành của Chính phủ luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng.
Theo đó, các ngân hàng được chỉ thị phải hướng dòng vốn vào sản xuất cũng như thực hiện các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, các doanh nghiệp có triển vọng, có thị trường tiêu thụ… cũng được ưu tiên vay vốn.
Thực hiện nghiêm chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên, dòng tiền đã chuyển hướng vào những khu vực này một cách rõ rệt, giúp chuyển dịch sản xuất kinh doanh và gián tiếp hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế. Năm nhóm lĩnh vực ưu tiên đã được áp trần lãi suất cho vay thấp hơn từ 2 - 3%/năm so với mức chung.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành tái cấp vốn ưu đãi để các ngân hàng thương mại cho vay các lĩnh vực cần hỗ trợ, áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn cao, đồng thời thúc đẩy cho vay các mô hình ứng dụng công nghệ, liên kết chuỗi sản phẩm trong nông nghiệp và xuất khẩu…
Nhờ vậy, trong hai năm 2012-2013, sự dịch chuyển của dòng vốn là rõ nét, dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm cả về số tuyệt đối và tỷ trọng, còn các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao. Chẳng hạn, trong năm 2013, tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn tăng trên 17%, cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,51%…
Dù vậy, nếu không tiếp tục duy trì những thành quả bước đầu này, rất có thể các ngân hàng sẽ xảy ra tình trạng chạy nước rút tăng trưởng tín dụng cuối năm, dồn tiền vào những lĩnh vực phi sản xuất.
Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tuần qua, riêng về tín dụng, có một vài số liệu đáng chú ý. Đến cuối tháng 9-2014, ngoại trừ lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, các nhóm ưu tiên khác (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…) tăng trưởng tín dụng đều thấp hơn tốc độ chung (7,26%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng bất động sản lại vọt lên 11,5%.
Tất nhiên, tín dụng tiếp sức cho lĩnh vực bất động sản, giúp thị trường này phục hồi, giúp nhiều người có nhu cầu sớm được sở hữu nhà ở là điều nên làm. Nhưng cũng cần cân đối ở mức vừa phải, tránh lặp lại tình trạng bơm tiền quá mức vào bất động sản, chứng khoán, dẫn đến tình trạng bong bóng, gây bất ổn như những năm trước.