Với việc NHNN giảm trần lãi suất huy động đầu vào, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến là 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,8 - 7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8 - 7,5%/năm. Đặc biệt, tại các ngân hàng thương mại quốc doanh, như VietinBank, Vietcombank, Agibank, BIDV, lãi suất kỳ hạn ngắn chỉ còn 4 - 5%/năm, trong khi lãi suất cao nhất chỉ khoảng 7%/năm.
Tiền gửi ngân hàng vẫn tăng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc |
Ở các ngân hàng quy mô khá nhỏ, lãi suất huy động tiết kiệm cũng về dưới 8%, cao nhất ở PGBank là 7,6%/năm, NamABank 7,8%/năm (nhưng phải gửi kỳ hạn đến 36 tháng). Cá biệt, tại BacABank, lãi suất vẫn 8,2%/năm với kỳ hạn dài…
Theo NHNN, sau khi NHNN điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (từ 6%/năm xuống 5,5%/năm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/10), mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 0,1 - 0,5%/năm so với thời điểm trước khi điều chỉnh. Thế nhưng, nguồn tiết kiệm vẫn chảy vào ngân hàng. Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, đến ngày 24/10, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,88% so với cuối năm 2013, trong đó huy động VND tăng 13,17%.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, dù lãi suất đã xuống thấp, nhưng nhu cầu gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn lớn. Tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả, trong bối cảnh thị trường vàng ảm đạm và giá liên tục giảm, thị trường chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, trong khi bất động sản chưa thực sự phục hồi.
Ông Trịnh Minh Thảo, Giám đốc Dịch vụ - Tài chính cá nhân khu vực miền Nam của Techcombank cho biết, dù lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm dần trong thời gian qua, song nguồn tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng vẫn không giảm, thậm chí còn tăng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Techcombank, xu hướng của khách hàng hiện nay là lựa chọn gửi kỳ hạn dài, bởi lãi suất kỳ hạn tiền gửi dài ngày cao hơn so với ngắn ngày 1 - 1,5%.
"Lãi suất giảm cũng phần nào tác động đến tâm lý của khách hàng gửi tiền. Nhưng trước tình hình hiện nay, tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn hơn. Chỉ một số ít khách hàng rút tiết kiệm mua nhà", lãnh đạo Techcombank nói.
Sở dĩ tiết kiệm chưa chảy sang vàng, chứng khoán, ngoại tệ hay bất động sản, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, là do giá vàng đang có xu hướng giảm xuống dưới 35 triệu đồng/lượng. Mua vàng lúc này cũng không biết gửi vào đâu, do ngân hàng không nhận tiết kiệm vàng. Trong khi đó, tỷ giá đã được NHNN cam kết không điều chỉnh quá 1 - 2%/năm. Còn chứng khoán, bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, không phù hợp với việc lướt sóng lúc này.
Đại diện một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhận định, trước bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc và còn trầm lắng thì tiết kiệm 5,5%/năm vẫn được nhiều người lựa chọn. Vì thế, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn tăng và thực tế vẫn tăng đều trong những tháng qua. Việc lãi suất liên tục giảm, song tiền nhàn rỗi vẫn đổ mạnh vào ngân hàng cho thấy, kênh gửi tiền vẫn được người dân tin tưởng.
Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải, cho rằng, hiện việc gửi tiết kiệm ngoại tệ vẫn được phép, nhưng trong định hướng dài hạn, không nên khuyến khích gửi USD. "Tôi kỳ vọng, trong tương lai, mọi người sẽ đặt niềm tin hoàn toàn vào tiền đồng và sẽ chuyển hướng từ gửi ngoại tệ sang gửi tiết kiệm bằng VND, thay vì vẫn còn tiền gửi USD như hiện nay", ông Hải nói.
Với mục tiêu lạm phát được kiểm soát tương đối tốt trong năm nay, dự báo cả năm lạm phát 5,5 - 5,8%, HSBC cho rằng, lãi suất sẽ còn dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh lãi suất sẽ không còn nhiều, mà chỉ có thể giảm nhẹ.