Nhà đầu tư rút vốn
Trong 3 quý vừa qua, lượng vốn ròng rút ra khỏi các thị trường mới nổi (EM) đã cao hơn so với cùng thời điểm tại cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009, cho thấy sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư tại những nền kinh tế đang phát triển nhất thế giới.
Theo NN Investment Partner, tổng số vốn ròng rút ra khỏi các EM trong 3 quý vừa qua đạt 600,1 tỷ USD, cao hơn so với mức 545,2 tỷ USD cùng thời điểm tính đến tháng 3/2009.
Mặc dù vậy, tổng giá trị tài chính rút ra khỏi EM trong 3 quý vừa qua vẫn chưa nhiều nếu so với lượng vốn đổ vào các thị trường này trong thời gian Mỹ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ sau khủng hoảng 2008. Từ tháng 7/2009 đến cuối tháng 6/2014, đã có 2,2 nghìn tỷ USD đầu tư vào 15 thị trường mới nổi.
Rất nhiều nguồn vốn đã rút ra khỏi EM do tỷ giá đồng nội tệ của các thị trường này giảm so với USD trong 9 tháng tính đến tháng 3/2015, đặc biệt ở những quốc gia như Trung Quốc, nơi đồng USD ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thương mại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhà đầu tư thường vay vốn bằng đồng USD với lãi suất thấp rồi đầu tư vào tài sản tại EM bằng đồng tiền của họ với lãi suất cao. Tuy nhiên, tình trạng này đã giảm dần khi đồng USD tăng giá trở lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày càng giảm bớt các chính sách nới lỏng tiền tệ. Thậm chí, một số chuyên gia nhận định Fed có thể sẽ tăng lãi suất trong năm nay.
Chuyên gia chiến lược Maarten-Jan Bakkum tại NN Investment Partners nhận định sự rút lui của các dòng vốn khỏi EM cho thấy nhà đầu tư đã gặp khó khăn trong khoảng thời gian trước đó. Việc đồng USD tăng giá, rủi ro trong hệ thống tài chính Trung Quốc tăng cao và những điểm yếu cơ bản tại các EM làm hạn chế sự phục hồi bền vững của nền kinh tế là những nguyên nhân chính cho tình trạng trên.
Ông Bakkum dự đoán rằng sự thoái vốn có khả năng tiếp tục trong quý 2/2015 nhưng mức độ của tình trạng rút vốn có thể được giảm bớt. Trong quý 4/2014, tổng vốn ròng rút khỏi 15 thị trường EM đạt 255,3 tỷ USD, sau đó giảm xuống còn 208,8 tỷ USD trong quý I/2015.
Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại hơn so với việc rút vốn khỏi EM là lượng dự dữ ngoại hối của các thị trường này giảm mạnh kỷ lục. Tính đến tháng 3/2015, tổng dự trữ ngoại hối của 15 nước EM đã giảm 374,4 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu thế kỷ này.
Dự trữ ngoại hối giảm kỷ lục
Ngay cả khi thị trường có nhiều biến động hay có khủng hoảng tài chính, lượng dự dữ ngoại hối của các EM vẫn được giữ ở mức tích cực qua mỗi quý.
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm này là do nhiều nguyên nhân. Các ngân hàng trung ương phải dùng USD để bảo vệ đồng nội tệ của họ trước sự tăng giá của đồng bạc xanh. Tình trạng xuất khẩu ảm đạm đã khiến nguồn thu đồng USD suy giảm. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của các nước EM đã được dùng để trả các khoản nợ nước ngoài.
Tất cả những nguyên nhân trên cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại của các EM đã khiến niềm tin từ nhà đầu tư suy giảm, qua đó dẫn đến tình trạng rút vốn. Hãng Capital Economics dự đoán rằng tăng trưởng bình quân GDP của các EM đã giảm từ 4,1% tháng 1/2015 xuống 3,9% vào tháng 2/2015. Theo hãng này, đây mới là lần thứ 2 trong lịch sử (trước đó là cuộc khủng hoảng Argentina) tăng trưởng GDP bình quân của các EM giảm xuống dưới 4%.
Chuyên gia kinh tế Neil Shearing nói rằng những số liệu sơ bộ tháng 3/2015 cho thấy tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Ông dự đoán tăng trưởng GDP bình quân có thể giảm xuống 3,5% trong những tháng tiếp theo.
Rủi ro tại Trung Quốc
Trong khi thế giới ngạc nhiên với thị trường chúng khoán Trung Quốc, các nguồn vốn đang “lặng lẽ” rời khỏi quốc gia này với tốc độ nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Chuyên gia kinh tế Louis Kuijs của Royal Bank of Scotland ước tính Trung Quốc đã mất 300 tỷ USD do sự thoái vốn của nhà đầu tư trong 6 tháng qua tính đến tháng 3/2015. Thậm chí, một số công ty như Deltec International có dự tính với con số cao hơn nhiều.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là một sự đảo chiều lịch sử. Từ năm 2006 đến 2014, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần lên 4 nghìn tỷ USD. Một phần lượng dự trữ này đến từ thặng dư thương mại, một phần khác đến từ đầu tư nước ngoài. Những doanh nhân nước ngoài dùng USD, Yên Nhật và Euro để đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực như nhà máy, khách sạn và những công ty tại Trung Quốc.
Ngoài ra, một phần trong số 4 nghìn tỷ USD đến từ những khoản tiền đầu tư “nóng”, nghĩa là khoản vốn từ các nhà đầu tư tìm kiếm trái phiếu, cổ phiếu hay các loại tài sản đem lại lợi nhuận nhanh nhất có thể. Những nhà đầu tư này thường vay tiền ở các quốc gia có lãi suất thấp để mua trái phiếu với lãi suất cao tại các nước khác. Việc đầu tư như vậy là hoàn toàn hợp pháp, nhưng sự thay đổi nhanh chóng của những dòng vốn “nóng” trên sẽ làm thị trường trái phiếu hoặc chứng khoán bị biến động mạnh.
Trung Quốc vốn là một thị trường tuyệt vời cho những khoản đầu tư “nóng” này (đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước) bởi một đồng nội tệ mạnh với sự neo giá của chính phủ và một thị trường chứng khoán đang đi lên. Tuy nhiên, quốc gia này hiện không còn hấp dẫn với nhà đầu tư nữa. Thị trường chúng khoán tăng trưởng quá nóng còn đồng Nhân dân tệ được neo quá cao. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại, bong bóng bất động sản bắt đầu đổ vỡ dẫn đến những khoản nợ xấu và thậm chí một số trường hợp vỡ nợ (như tập đoàn Kaisa của Trung Quốc mới đây tuyên bố phá sản). Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến một số lĩnh vực kinh tế (như sòng bạc, các sản phẩm xa xỉ…) giảm tốc.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong khoảng tháng 6/2014 và tháng 3/2015 đã giảm 260 tỷ USD. Các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cùng với các công ty đầu tư nội địa là những người rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc, và họ thoái vốn theo nhiều cách khác nhau. Một số lách luật và rút vốn bất hợp pháp. Một số lại được các cơ quan chức năng phê duyệt, như trường hợp cho phép tăng cho vay nước ngoài tại ngân hàng Trung Quốc.
Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ gặp phải rắc rối. Chính quyền Bắc Kinh có thể tăng lãi suất để kìm hãm sự thoái vốn, nhưng điều này đi ngược lại với chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, như hạ lãi suất, sẽ làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào thị trường này và làm tăng tốc hoạt động rút vốn.
Chính phủ Trung Quốc đã trấn an nhà đầu tư rằng việc tổng giá trị dự trữ ngoại hối suy giảm là do đồng Euro, một đồng tiền trong kho dự trữ, giảm giá mạnh. Các quan chức cho biết dự trữ ngoại hối thực sự của PBOC đang tăng lên, sự rút vốn chưa nghiêm trọng đến mức gây ra khủng hoảng và hệ thống tiền tệ vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng thoái vốn là một cảnh báo cho nền kinh tế Trung Quốc, Chuyên gia Frederic Neumann của HSBC nhận định tình trạng trên phản ánh sự nghi ngờ của nhà đầu tư đối với sự ổn định của nền kinh tế. Một điều hiển nhiên là nếu mọi việc vẫn ổn, nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua bất động sản, cổ phiếu hay gửi tiền vào ngân hàng thay vì rút ra vì lợi nhuận tại Trung Quốc vẫn cao hơn so với nước ngoài.
Động thái giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại là một bước đi khôn ngoan của chính quyền Bắc Kinh nhằm kích thích kinh tế mà không “dọa” nhà đầu tư nước ngoài. Những khoản tiền thừa này sẽ được các ngân hàng thương mại sử dụng như những khoản cho vay mới trong nền kinh tế.
Không đồng ý với quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng việc các dòng tiền rời khỏi Trung Quốc thể hiện sức mạnh kinh tế của cường quốc Châu Á này. Rất nhiều tập đoàn lớn tại Trung Quốc đã chi tiền đầu tư vào các công ty nước ngoài với tốc độ kỷ lục trong năm 2014. Theo Bloomberg, tổng giá trị sáp nhập và mua lại công ty nước ngoài năm 2014 đạt 76,5 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tuyên bố không quan tâm đến tình trạng thoái vốn, họ vẫn đang tiến hành các chính sách nhằm đối phó tình hình này. Kể từ tháng 4/2015, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường “săn lùng” những quan chức tham nhũng chuyển tiền của nhà nước ra nước ngoài. Bên cạnh đó, PBOC cũng phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra tệ nạn này.
Giám đốc quản lý Andrew Collier của Orient Capital Research nhận định giải pháp dễ nhất để giới nhà giàu Trung Quốc thoát khỏi việc bị tịch biên tài sản là chuyển tiền ra nước ngoài. Nếu tầng lớp giàu có tại Trung Quốc, chiếm 50% các khoản tiết kiệm tài chính trong nước, đột nhiên nhận ra họ có nguy cơ bị mất tài sản thì tình trạng thoái vốn sẽ “diễn ra vô cùng nhanh chóng và mạnh mẽ.”
Với 3,73 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc vẫn chưa quá nguy hiểm và không có nhiều lý do để các quan chức phải lo ngại. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách sẽ rất cẩn trọng trong các quyết định sắp tới trước tình hình rút vốn gia tăng hiện nay.