Tia nắng mới CRA - doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm "nội"

Theo Nghị định 88/2014/NĐ-CP, từ ngày 15-11-2014, Bộ Tài chính sẽ nhận hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm (Credit rating agency - CRA) "nội".

Sự ra đời của CRA sẽ đánh dấu bước đi mới trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường nợ.

Hoạt động của các CRA đã quá bình thường trên thế giới, nhưng nó còn xa lạ với thị trường Việt Nam, nơi mà nhiều loại trái phiếu được phát hành chưa được đánh giá bởi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này kéo lùi thị trường trái phiếu cách xa mấy chục năm so với các nước.

Tới đây, tổ chức, doanh nghiệp nào muốn phát hành công cụ nợ thì điều kiện bắt buộc là phải có kết quả đánh giá tín nhiệm của một hoặc hơn một CRA.

"CRA đưa ra mức tín nhiệm đối với sản phẩm trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu (doanh nghiệp) mà hiện nay trái phiếu gần như không có xếp hạng tín nhiệm, chủ yếu phát hành cho ngân hàng để đảo nợ. Một khung pháp lý chính thức cho CRA là cú hích lớn cho thị trường tài chính, chứng khoán thời gian tới và là điều kiện tiền đề để thị trường này phát triển", Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), bà Trần Anh Đào, bình luận với TBKTSG.

Nghị định 88 cũng khai sinh một loại hình doanh nghiệp mới là CRA. Từ trước tới nay, thị trường đã xuất hiện những đơn vị có hoạt động manh nha mang dáng dấp của CRA như dịch vụ mà các công ty kiểm toán cung cấp cho từng khách hàng một, trong từng hợp đồng và không công bố thông tin.

Ngoài các công ty kiểm toán, trên thị trường còn có một vài tổ chức tham gia vào lĩnh vực xếp hạng tín dụng mà mỗi khi công bố "sản phẩm" đều gây lên những tranh luận về cơ sở pháp lý, như Công ty Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam credit), Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV). Bản thân Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước (CIC) cũng có đánh giá xếp hạng, nhưng là đối với các doanh nghiệp có vay nợ của các tổ chức tín dụng chứ không đánh giá tổ chức tín dụng.

Nay, theo nghị định này, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm không được hoạt động trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, chứng khoán, ngân hàng. Các tổ chức này về bản chất không phải doanh nghiệp CRA nên nếu muốn cung cấp dịch vụ này thì phải đăng ký lại từ đầu.

Nghị định còn để ngỏ một khả năng là các CRA có thể xếp hạng các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, vốn là những đơn vị khó đánh giá xếp hạng, xếp hạng xong hay bị phản ứng gay gắt nhưng nhu cầu được thông tin của thị trường lại rất cao. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này vài năm qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã từng đề nghị ban soạn thảo bỏ các tổ chức tín dụng ra khỏi đối tượng được cung cấp dịch vụ CRA do "lo ngại mất an toàn hệ thống". Nghị định được ban hành, may thay không có "yêu cầu" này.

Có công ty xếp hạng tín dụng nội, các ngân hàng, doanh nghiệp có lợi đầu tiên là có thể giảm đáng kể chi phí thuê dịch vụ này. Trước đây, khi cần, họ phải thuê các tổ chức xếp hạng lớn quốc tế, với mức phí vài chục ngàn đô la Mỹ/năm trở lên hoặc theo từng hợp đồng cũng với giá rất cao.

Có CRA, nợ xấu sẽ thêm một "lính gác" đắc lực. CRA đưa ra đánh giá về năng lực tài chính, khả năng trả nợ của các tổ chức, doanh nghiệp chuẩn bị vay vốn của ngân hàng, các đơn vị trong và ngoài nước. Thậm chí, ở một số thị trường, còn có quy định bắt buộc đánh giá tín nhiệm với các khoản vay vốn ngân hàng.

Cơ quan quản lý dự kiến giai đoạn đầu có thể có hai đến bốn CRA hoạt động độc lập. Các công ty hoàn toàn không có sở hữu nhà nước. CRA này không được góp vốn vào CRA kia. Một cá nhân góp trên 5% vốn điều lệ vào một CRA cũng không được góp vốn vào CRA khác. "Việc CRA là doanh nghiệp tư nhân không ảnh hưởng tới chất lượng xếp hạng vì thực tế các tổ chức CRA uy tín cao trên thế giới đều không phải là tổ chức do chính phủ nào thành lập", theo bà Anh Đào.

Điều cần thiết tiếp theo, là cơ quan quản lý hướng dẫn, hỗ trợ cho các công ty non nớt này ra đời và đi những bước đầu tiên. Các CRA sẽ gặp nhiều thử thách trong việc xây dựng niềm tin, từ chuyện làm sao để có nguồn thông tin đầu vào đầy đủ, chính xác, phục vụ cho sản phẩm xếp hạng tín nhiệm của mình, đến chuyện ứng phó với phản ứng có thể gặp của các đơn vị được/bị xếp hạng.

Dù vậy, thị trường này vẫn có những hứa hẹn bởi Việt Nam không thể chống lại con sóng hội nhập và minh bạch.