Chiều ngày 19/11, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Thủ tướng đã tổng kết lại các con số về tỷ lệ nợ xấu và đưa ra nhóm giải pháp cho "cục máu đông" này.
Đến cuối năm 2014 tỷ lệ nợ xấu còn khoảng 3,7 - 4,2%
Sau khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, do nhu cầu vốn lớn nên tín dụng ngân hàng – nguồn vốn chủ yếu cho phát triển kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng rất nhanh với dư nợ tín dụng tăng bình quân trên 30%/năm trong giai đoạn 2001-2010.
Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tăng từ 40% năm 2000 lên 125% năm 2010. Trong khi đó, quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, năng lực quản trị của một số tổ chức còn nhiều yếu kém, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật.
Sau đó, cùng với tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều DN thua lỗ, không trả được nợ dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Theo giám sát của Ngân hàng nhà nước, đến tháng 9/2012 tỷ lệ nợ xấu của các TCTD lên đến 17%. Nợ xấu làm cho nhiều DN không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn, đình trệ ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các TCTD không lành mạnh, thanh khoản khó khăn; một số ngân hành thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ; đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã phê duyệt các đề án cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu. Mục tiêu của xử lý nợ xấu là cải thiện thanh khoản, nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống; phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức an toàn trong kinh tế thị trường.
Theo đó, Ngân hàng nhà nước cùng các bộ ngành liên quan và địa phương đã tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định về an toàn hoạt động, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD; đồng thời hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, thiết lập và sử dụng dự phòng rủi ro, bảo đảm chặt chẽ minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Theo Thủ tướng, nhờ sự nỗ lực chung, đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 chủ yếu bằng các giải pháp: thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tải sản bảo đảm …
Báo cáo của các TCTD cho biết, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 là 3,8% và có xu hướng giảm; tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%; ước cuối năm 2014 còn khoảng 2,5-2,7%.
Còn theo đánh giá của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 khoảng 5,4% và ước đến cuối năm 2014 còn 3,7-4,2% so với mức 17% vào tháng 9/2012. NHNN đánh giá nợ xấu cao hơn là do việc đánh giá phân loại chặt chẽ hơn.
Giải pháp nào để xử lý nợ xấu?
Theo Thủ tướng, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn do khuôn khổ pháp luật, chức năng của VAMC còn hạn chế. Bên cạnh đó, do một số TCTD còn yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch, nên nhiệm vụ còn rất khó khăn.
Về giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian tới, Thủ tướng đưa ra các nhóm giải pháp sau:
(i) Hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu, nhất là việc mua bán nợ.
(ii) Hoàn thiên chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính nâng cao vai trò của công ty VAMC.
(iii) Phát triển lành mạnh thị trường mua bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
(iv) Tăng cường kiểm tra giám sát thanh tra nợ xấu, chất lượng tín dụng, phân loại nợ và dự phòng rủi ro, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong kiểm soát nợ xấu.
(v) Tăng cường phối hợp NHNN và các Bộ ngành, địa phương; đặc biệt là các TCTD và VAMC.
(vi) Đẩy mạnh cơ cấu TCTD, công khai minh bạch sở hữu, kiểm soát chất lượng tín dụng; lập dự phòng rủi ro. Hoàn thiện thể chế, cơ cấu các TCTD yếu kém. Đồng thời đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, cơ cấu các TCTD, phấn đấu năm 2015 đưa nợ xấu xuống dưới 3% đảm bảo an toàn TCTD.
>> Tỷ lệ nợ xấu cuối năm còn khoảng 3,7 - 4,2%
Nguyệt Quế - Mai Linh