Đây là trả lời của Thủ tướng trước câu hỏi của đại biểu Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng) rằng, liệu Chính phủ có hỗ trợ giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, có dùng ngân sách hay không?
Cụ thể, đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ hơn vấn đề nợ xấu của ngân hàng. Theo đại biểu, ai cũng hiểu là nợ xấu là vấn đề bình thường trong hoạt động kinh doanh, vì vậy, luật pháp quy định ngân hàng phải trích dự phòng trước khi chia cổ tức.
Tuy nhiên, nợ xấu hiện đã vượt khả năng kiểm soát của các ngân hàng, mất thanh khoản, dễ đổ vỡ hệ thống, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, làm nền kinh tế trì trệ. Do đó, phải coi nợ xấu là vấn đề của kinh tế vĩ mô mà ở một số nước, Chính phủ phải can thiệp xử lý chứ không thể chỉ là trách nhiệm của ngân hàng.
Đại biểu Thân Đức Nam đánh giá cao kết quả xử lý nợ xấu và cho rằng, nếu thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ thì nợ xấu khó giải quyết và ảnh hưởng cả nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ Chính phủ có chủ tưởng gì khi giải quyết nợ xấu.
Trước vấn đề đại biểu Nam đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chúng ta không có ngân sách để xử lý nợ xấu và cũng không sử dụng để làm việc này.
"Không có (ngân sách) thì xử lý có khó khăn hơn, nhưng chúng ta vẫn giải quyết được theo các giải pháp chúng ta đặt ra và đến năm 2015, Chính phủ phấn đấu đưa nợ xấu trở về ở mức 3% - mức thông thường trong kinh tế thị trường" - Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, như vậy là phù hợp với điều kiện kinh tế nước ta. Hiện nay, Quốc hội đã bấm nút thông qua dự toán và phân bổ ngân sách 2015 và không có khoản nào cho xử lý nợ xấu. Ngay từ đầu chúng ta đã xác định sử dụng các giải pháp không sử dụng ngân sách. Sắp tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện các giải pháp sao cho có hiệu quả tốt hơn, nhanh hơn.
Trước đó, trong báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng cho biết, vào thời điểm tháng 9/2012, theo giám sát của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tín dụng lên đến 17%.
Nhưng đến tháng 10/2014, qua các giải pháp quyết liệt, chúng ta đã xử lý được 54,3% số nợ xấu được xác định vào thời điểm tháng 9/2012 bằng giải thu hồi nợ, cơ cấu nợ, sử dụng trích lập dự phòng, bán nợ có tài sản bảo đảm, bán nợ cho VAMC.
Đến nay, VAMC đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ và đang từng bước xử lý theo quy định trong đó đã bán thu hồi được 4.000 tỷ đồng và có lãi.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 là 3,8% và có xu hướng giảm, tháng 6 là 4,17%, tháng 7 là 4,11% và tháng 8 là 3,9%. Ước tính đến cuối năm 2014 còn 2,5 - 2,7%.
Dù vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 là 5,4%; ước đến cuối 2014 vào khoảng 3,7 - 4,2%. Sở dĩ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn là do thực hiện giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của ngân hàng.
Sau quá trình xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu, năng lực quản trị, tình hình tài chính, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, đáp ứng cơ bản vốn cho yêu cầu sản xuất kinh doanh và an toàn hệ thống.