Thông tư 36 đã được ban hành và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/2/2015 tuy nhiên thị trường chứng khoán những ngày vừa qua đã có phản ứng nhất định. Để thị trường hiểu rõ hơn mục đích ban hành cũng như tác động của Thông tư 36, chúng tôi xin tiếp tục gửi đến bạn đọc phần 2 cuộc trả lời phỏng vấn của ông Phạm Huyền Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN với Website NHNN.
Xin ông cho biết mục đích ban hành Thông tư số 36?
Trong thời gian qua, Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực sự đi vào cuộc sống, được các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) quán triệt thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng TCTD, chi nhánh NHNNg cũng như cả hệ thống.
Tuy nhiên, Thông tư 13 đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Việc ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNNg nhằm:
Trước hết, sửa đổi những quy định không còn phù hợp, hoàn thiện, bổ sung và tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng và quản lý, giám sát ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel 2 về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng hoạt động, khả năng chi trả, thanh khoản, an toàn hoạt động đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng của các TCTD, chi nhánh NHNNg, góp phần thực hiện có hiệu quả các Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD theo Quyết định số 245/QĐ-TTg và Quyết định 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm hệ thống TCTD Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, an toàn, hiệu quả cao trong những năm hậu tái cơ cấu.
Thứ ba, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động thông qua các cơ chế báo cáo,tự công khai để giám sát của chính nội bộ TCTD, các thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD và tăng cường sự giám sát, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn trong hoạt động đối với từng TCTD, chi nhánh NHNNg cũng như toàn hệ thống.
Thứ tư, hạn chế việc sở hữu chéo không lành mạnh, sự thâu tóm, chi phối của một hoặc một số TCTD đối với TCTD khác thông qua các hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần và các hình thức khác.
Thứ năm, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Tóm lại, việc ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN nhằm tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn và phù hợp hơn về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu và tạo môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh cho các TCTD, chi nhánh NHNNg.
Ông có thể đưa ra một số đánh giá về tác động của Thông tư 36 và khả năng thực hiện của TCTD, chi nhánh NHNNg ?
Khi xây dựng và ban hành Thông tư 36, chúng tôi nhận định có những tác động sau:
Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg. Các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư,... trở nên minh bạch hơn, công khai hơn.
Các TCTD, chi nhánh NHNNg có thể phòng ngừa, kiểm soát trước các rủi ro trong hoạt động và có các biện pháp tự bảo vệ trước khi có sự can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
Hạn chế rủi ro tập trung tín dụng, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý việc sở hữu chéo, hình thành nhóm lợi ích; sự thao túng hoặc chi phối của một số, một nhóm cổ đông tại TCTD hoặc giữa các TCTD.
TCTD, chi nhánh NHNNg có đủ năng lực quản trị và tài chính trong hoạt động, bảo đảm các chuẩn mực an toàn, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và có thêm nguồn vốn cấp tín dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế và các thị trường liên quan phát triển. Nhờ đó, quy định an toàn mới sẽ định hướng lại tư duy quản trị ngân hàng, điều chỉnh hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg vào các lĩnh vực hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, từ đó góp phần vào việc ổn định hệ thống tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Thông tư, dự thảo Thông tư đã được nhiều lần gửi xin ý kiến, thảo luận, tọa đàm của các TCTD, chi nhánh NHNNg, từng nội dung quy định được NHNN khảo sát, đánh giá kỹ về thực tế tác động để đảm bảo mục tiêu an toàn nhưng cũng đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tư có hiệu lực từ 01/02/2015 là khoảng thời gian để các TCTD, chi nhánh NHNNg có thời gian chuẩn bị. Các TCTD, chi nhánh NHNNg hoàn toàn có thể thực hiện tốt ngay từ ngày đầu khi Thông tư có hiệu lực thi hành.
PV: Xin cảm ơn ông