Thông tư 36: Giải đáp những câu hỏi thị trường băn khoăn

Nợ xấu của các ngân hàng được tính như thế nào, thời điểm lấy dữ liệu, những ngân hàng có nợ xấu trên 3% có phải thu hồi lại các khoản đã cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu...? Đó là những câu hỏi được nhiều NĐT quan tâm xung quanh Thông tư 36/vừa được NHNN ban hành.

Nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3,4 và 5

Số liệu cập nhật đến hết tháng 9/2014 cho thấy, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt 3% như MB, NCB, Eximbank, ACB, PGBank, Techcombank, DongA Bank... Những ngân hàng này đều đưa ra con số nợ xấu trong báo cáo tài chính quý III/2014 và công bố ra thị trường.

Còn không ít ngân hàng không đưa nợ xấu và báo cáo tài chính, nhưng theo tính toán của nhà đầu tư và các CTCK, nợ xấu phổ biến ở mức trên 5%.

Đáng lưu ý là tính toán của thị trường trong một số trường hợp không khớp với số liệu mà ngân hàng công bố, trường hợp của SHB như đã đề cập trong số báo ĐTCK 141 ra ngày 24/11/2014 là một ví dụ: nợ xấu 2,4% theo công bố của Ngân hàng và 3,6% theo cách tính cộng dồn nợ nhóm 3,4 và 5.

Vậy nợ xấu của các ngân hàng sẽ được NHNN tính như thế nào? Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo NHNN cho biết, nợ xấu được tính theo các quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN, ban hành ngày 21/1/2013. Cụ thể, Điều 3 quy định: nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3,4 và 5; tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5. Điều 10 và Điều 11 Thông tư 02 cũng quy định chi tiết về phân loại nợ.

Tuy nhiên, nhà đầu tư củng cần lưu ý, trong việc phân loại nợ, có những trường hợp đặc biệt được NHNN cho ý kiến. Đơn cử, các khoản nợ của Vinashin trước đây, các ngân hàng được phép đưa ra khỏi diện tính nợ xấu và không phải trích lập dự phòng.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (trước đây là Vinashin) hiện không phải là con nợ trực tiếp của các ngân hàng. Những khoản nợ của Vinashin trước đó đã được tái cơ cấu bằng cách chuyển sang cho Công ty Mua bán nợ và tài sản DN (DATC). DATC sau đó phát hành trái phiếu hoán đổi với các ngân hàng.

Nợ xấu liên tục được cập nhật

Liên quan đến việc ngân hàng sẽ tính nợ xấu vào thời điểm nào, căn cứ trên báo cáo tài chính quý, bán niên hay năm, ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN cho hay, thời điểm tính được cập nhật theo số liệu nợ xấu gần nhất của các ngân hàng, tính theo thời điểm ngân hàng ký kết hợp đồng với khách hàng.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, các ngân hàng hiện công bố báo cáo tài chính theo quý (nếu là DN niêm yết) và bán niên hoặc theo năm (nếu là DN đại chúng), song nợ xấu không nhất thiết phải công bố trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, cơ chế báo cáo giữa các ngân hàng với NHNN hiện được thực hiện rất chặt chẽ, đối với những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là theo ngày, còn những ngân hàng bình thường là theo tháng.

Các hợp đồng cho vay tiếp tục được thực hiện

Các hơp đồng đã ký có thời hạn từ 3 tháng trở lên, ngân hàng không phải phá vô cam kết với khách hàng

Với những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt 3%, đến thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực vào ngày 1/2/2015, có phải rút lại các khoản đã cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu? Đặc điểm của TTCK là rất nhạy với thông tin, bởi thế, nếu các ngân hàng phải thu hồi số tiền đã cho vay có thể dẫn đến việc nhà đầu tư phải bổ sung tiền vào tài khoản hoặc phải bán chứng khoán để trả nợ trước hạn. Hiện trên thị trường có những hợp đồng ba bên giữa ngân hàng, CTCK và nhà đầu tư có thời hạn tối đa tới 12 tháng, trong khi trước đây thời hạn dài nhất chỉ là 3 tháng. Nếu nhà đầu tư cùng có nhu cầu bán chứng khoán, khả năng hấp thụ của thị trường có thể bị ảnh hưởng.

Về vấn để này, ông Phạm Huyền Anh nhấn mạnh, Điều 22 Thông tư 36 nêu rõ, tất cả các hợp đồng tín dụng trước khi Thông tư có hiệu lực vẫn tiếp tục tiến hành đến khi hết hợp đồng. Nguyên tắc là không hồi tố, không tác động đến những hoạt động của các tổ chức tín dụng đã thực hiện trước ngày Thông tư có hiệu lực.

Đến thời điểm 1/2/2015, ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ không được tiếp tục cho vay đầu tư cổ phiếu. Các hợp đồng đã ký có thời hạn từ 3 tháng trở lên, ngân hàng không phải phá vỡ cam kết với khách hàng.

Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, một trong những điều kiện để các tổ chức này cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.