Thông tư 36 của NHNN: Để không còn bầu Kiên thứ 2

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 36/TT-NHNN, có hiệu lực từ 1/2/2015 được đánh giá sẽ ngăn chặn các đại gia ngân hàng “một tay che trời”, sở hữu chéo gây nên thiệt hại lớn.

Thông tư 36 của NHNN: Để không còn bầu Kiên thứ 2 - Ảnh 1

Hàng loạt quy định "siết" sở hữu chéo

Ngày 20/11, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 36/TT-NHNN, có hiệu lực từ 1/2/2015, trong đó có nhiều quy định siết chặt hơn các hoạt động tín dụng của ngân hàng như: quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với hoạt động đầu tư Kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định tiêu chí đầu tiên để một ngân hàng thương mại được cấp tín dụng cho hoạt động này là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngân hàng không được cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu trên cơ sở bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào của tổ chức tín dụng khác. Đặc biệt, ngân hàng cũng không được cấp tín dụng trên cơ sở đảm bảo bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác; Không được cấp tín dụng trung hạn, dài hạn cho khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu.

Thông tư 36 nêu rõ tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng cho hoạt động đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. Ngân hàng không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết để các công ty này đầu tư, kinh doanh cổ phiếu hoặc cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Khoản cấp tín dụng của ngân hàng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được đảm bảo bằng chính cổ phiếu đó. Đồng thời, ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính ngân hàng, trừ phi cho vay đối với người lao động.

Sẽ không còn bầu Kiên thứ hai?

Trả lời trên báo Vietnam +, ông Phạm Huyền Anh Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết thông tư 36 sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng sở hữu chéo - nỗi nhức nhối của ngành ngân hàng trong suốt thời gian qua.

Theo ông Phạm Huyền Anh, Thông tư 36 sẽ hạn chế việc sở hữu chéo không lành mạnh, sự thâu tóm, chi phối của một hoặc một số tổ chức tín dụng đối với tổ chức tín dụng khác thông qua các hoạt động cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần và các hình thức khác

Sở dĩ như vậy bởi Thông tư 36 quy định người có liên quan của tổ chức và cá nhân nhằm kiểm soát một ngân hàng cùng với thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên có "sân sau" trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần. Theo đó, NHTM phải công khai trước đại hội cổ đông về khoản cấp tín dụng cho các công ty cho Doanh nghiệp và đặc biệt người có liên quan là công ty của hội đồng quản trị và hội đồng thành viên.

Ông Anh nhấn mạnh, sở hữu chéo bản thân không xấu nhưng nếu sở hữu của một cá nhân, một tổ chức và người có liên quan ở mức độ nhất định có thể chi phối hoạt động của một ngân hàng khác, từ đó dẫn tới sự không minh bạch về chất lượng tín dụng và dòng tiền chảy vào nền kinh tế.
Việc thông tư quy định tổng mức góp vốn mua cổ phần của NHTM và người có liên quan bao gồm các đối tượng chi phối hoặc lãnh đạo, quản trị điều hành đối với NHTM khác ở mức 5% sẽ giới hạn sở hữu chéo, bao gồm thao túng và lũng đoạn

Vụ án của Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên vẫn được xem như bài học điển hình việc một cá nhân lợi dụng sở hữu chéo gây thiệt hại lớn về kinh tế. Với vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, bầu Kiên đã đóng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng Á Châu (ACB).
Với quyền lực của mình, bầu Kiên đã thành lập tới 6 công ty do chính mình làm Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên: Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; CTCP Đầu tư Thương mại B&B; CTCP Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG); CTCP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI); CTCP Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư Á Châu Hà Nội (ACI-HN).
Trong đó, 5 công ty là B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN dù không có chức năng nhưng đã được Nguyễn Đức Kiên sử dụng để kinh doanh tài chính gần 10.000 tỷ đồng thông qua cách thức phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng ACB và một số ngân hàng khác rồi lại dùng tiền này để đầu tư, mua cổ phần vào các công ty khác trong đó có nhiều công ty của bầu Kiên.
Theo đó, công ty B&B sử dụng số tiền gần 2.350 tỷ đồng để mua cổ phần và góp vốn vào một loạt công ty khác. Còn AFG dùng 4.068 tỷ đồng để mua trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB và góp vốn vào các công ty khác là Công ty ACI, Công ty ACI-HN và Công ty ACBI.
Trong khi đó, ACBI dùng 1.433,392 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu Techcombank, Eximbank dù không hề được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính. Ngoài ra, một công ty khác là ACI-HN cũng dùng 1.411,371 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty khác và mua cổ phiếu ACB, DaiABank, VietBank, KienLongbank và Eximbank.
Tổng số tiền thiệt hại do Nguyễn Đức Kiên gây ra được xác định là 1.696 tỷ đồng, chưa kể hơn 433 tỷ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được, theo Viện KSND tối cao.