Thống đốc NHNN nói gì về việc nợ xấu có xu hướng tăng trở lại?

Thống đốc NHNN nói gì về việc nợ xấu có xu hướng tăng trở lại?

NHNN sẽ kiên quyết áp dụng các giải pháp xử lý đối với TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã đặt câu hỏi đối với NHNN: Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Quốc hội phục vụ các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và đang có xu hướng tăng trở lại, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 3,61% cuối năm 2013 lên 4,07% vào cuối tháng 5 và 4,17% vào cuối tháng 6 năm 2014. Thống đốc cho biết nguyên nhân của tình hình này và thống đốc sẽ tiếp tục làm gì để xử lý tình hình trên?

Theo trả lời bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì nợ xấu có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2014 có 2 nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn (thị trường bất động sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chậm phục hồi, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức cao, số doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng...);

Thứ hai, các TCTD phải áp dụng quy định mới chặt chẽ hơn về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro (Thông tư số 02/2013/TT-NHNN và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN) nhằm đánh giá chính xác, minh bạch hơn tình hình nợ xấu, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

NHNN cho rằng, việc nợ xấu tăng trong ngắn hạn sau khi Thông tư số 02 và Thông tư 09 có hiệu lực là phù hợp với tác động về mặt chính sách và mục tiêu quản lý của NHNN nhằm từng bước đưa nợ xấu của các TCTD phù hợp hơn với rủi ro tín dụng.

Kết quả phân loại nợ mới sẽ tạo áp lực mạnh mẽ hơn cho các TCTD trong xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Điều này thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc phân loại nợ và xử lý nợ xấu.

Cũng theo thống đốc, tốc độ gia tăng nợ xấu đã chậm lại trong 3 tháng gần đây làm cho tỷ lệ nợ xấu giảm liên tục từ 4,17% (cuối tháng 6/2014) xuống 4,11% (cuối tháng 7/2014), 3,9% (cuối tháng 8/2014) và giảm khá nhanh về mức 3,88% (cuối tháng 9/2014).

Theo thống đốc, để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xử lý nợ xấu, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các TCTD triển khai nghiêm túc việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng nhằm đánh giá chính xác hơn nợ xấu đối với các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực phân loại nợ mới để có giải pháp xử lý phù hợp;

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập về chất lượng tín dụng, nợ xấu; Kiên quyết áp dụng các giải pháp xử lý đối với TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu.

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của VAMC, theo hướng: (i) Tăng cường quyền hạn và chủ động cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu; (ii) Từng bước triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; (iii) Nghiên cứu bổ sung nguồn lực tài chính cho VAMC để thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và triển khai các hoạt động bảo lãnh, đầu tư, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay hoàn thiện dự án đầu tư có tính khả thi.

Thứ tư, phối hợp các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua, bán, xử lý nợ, tài sản đảm bảo, cơ chế hoạt động của VAMC nhằm đẩy mạnh hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm để VAMC thực sự trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu;

NHNN tin tưởng rằng, đến cuối năm 2015 nợ xấu sẽ được đưa về mức an toàn như mục tiêu đề ra.

>>> Thống đốc NHNN: Phá sản ngân hàng là vấn đề nhạy cảm


Khánh Nhi