Chiều ngày 29/9, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về các vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, các sai phạm của ngân hàng và tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc cho biết, trong điều kiện lạm phát có thể kiềm chế quanh mức 5%, thị trường tiền tệ, ngân hàng đi vào ổn định, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, tạo ra nguồn vốn cho nền kinh tế, lãi suất giảm mạnh về mức trước năm 2006. Tỷ giá luôn nằm trong định hướng và trong phạm vi quy định của NHNN. Dự trữ ngoại hối tăng lên 5 lần trong 5 năm qua, từ khoảng 7 tỷ năm 2001 lên mức kỷ lục hơn 35 tỷ USD.
Về tín dụng, tăng trưởng tín dụng vẫn tăng trên 3% trong 3 năm qua. Đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 7% và có thể đạt mục tiêu từ 12 đến 14% trong cả năm. Các TCTD đã tiến hành tái cơ cấu từ 2012 tới nay theo đúng lộ trình. Ngay tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Về nợ xấu, từ khi triển khai tái cơ cấu tới nay, hệ thống đã xử lý được trên 249.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012.
Tín dụng cải thiện, nợ xấu tăng chậm lại
Trả lời chất vấn của đại biểu về xử lý nợ xấu và hiệu quả của VAMC, Thống đốc cho biết, đến cuối tháng 7/2014 tổng nợ xấu nội bảng khoảng 162 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,11% trên tổng dư nợ, tăng so với 3,61% tại cuối 2013. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy việc xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất, chỉ tăng 0,79% so với tháng trước, cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.
Năm 2014 , nợ xấu có chiều hướng gia tăng vào các tháng trong năm. Thường các tổ chức tín dụng hạch toán nợ xấu vào cuối năm, nên nợ xấu thường giảm mạng vào 31/12 hàng năm sau khi các tổ chức dùng dự phòng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn trước đây, các ngân hàng còn che giấu nợ xấu để có nguồn tiền chia cổ tức, nhưng thời gian qua ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt, ngân hàng nào có cổ tức cao thì đều được thanh tra.
Trong các tháng đầu năm 2014, các TCTD tiếp tục tích cực chủ động xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm đã xử lý được gần 41 ngàn tỷ đồng nợ xấu thông qua khách hàng trả nợ 14,3 ngàn tỷ đồng; Bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ 1,56 ngàn tỷ đồng, bán cho các tổ chức, cá nhân 14,49 ngàn tỷ đồng và xử lý bằng dự phòng rủi ro hơn 8,3 ngàn tỷ.
Đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, VAMC đang tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Tính đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu, thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh lãi suất là 226 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 16 khách hàng với tổng số tiền miễn, giảm là 60,91 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 446 tỷ đồng.
Thống đốc cho biết có sự khác biệt trong con số nợ xấu thời gian qua là vì việc giám sát minh bạch hơn, do vậy NHNN quản lý rất sát tình hình hoạt động và phân loại nợ. Ngành ngân hàng đã thực hiện đánh giá thực chất hơn nợ xấu để chủ động có biện pháp đối phó, nếu cộng thêm số nợ xấu của ngân hàng báo cáo với số cơ cấu lại nợ thì số liệu nợ xấu khoảng 8%. Do đó, mục tiêu của NHNN sẽ đưa về khoảng 6% cuối năm nay.
Với VAMC, ngay từ đầu, hoạt động mua bán nợ của VAMC đã có chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, nên đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với nước ngoài. Trong bối cảnh không có tiền ngân sách nhưng VAMC đã tạo ra được cơ chế tháo gỡ khó khăn, giảm nợ xấu trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn thời gian tới, các nước trên thế giới đã sử dụng trung bình 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, ở những nước ít bị ảnh hưởng thì dùng tới 7-10%, còn Việt Nam chưa dùng đồng nào.
Qua 1 năm hoạt động, VAMC gặp phải một số khó khăn. Như một số đại biểu quốc hội đặt vấn đề cần có luật riêng thì các nước đều có 1 bộ luật riêng về VAMC để xử lý nhanh nhất, thông thoáng nhất. Trong tời gian cấp bách, nếu đặt vấn đề có bộ luật ngay thì không có thời gian, nên phải đi đồng thời 2 bước. Thống đốc cho biết cũng đề xuất nâng năng lực tài chính của VAMC từ vốn 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ.
Tái cơ cấu NHTM Nhà nước vượt mong đợi
Về hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc cho biết tất cả các ngân hàng đều đã phải xây dựng đề án tái cấu trúc của mình đề NHNN thẩm định. Trong tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Đối với các NHTM Nhà nước, NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Vietcombank, Agribank, đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại BIDV và MHB.
NHNN cũng đang tiến hành thẩm định phương án cơ cấu lại của các công ty cho thuê tài chính của các NHTM nhà nước, thực hiện thẩm định và xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể nâng cao năng lực tài chính từ nay đến năm 2015 của 5 NHTM Nhà nước.
Thống đốc cho biết, mặc dù trong giai đoạn kinh tế khó khăn, việc cổ phần hóa các ngân hàng TMNN diễn ra ngoài sự mong đợi, trong lúc khó khăn nhất phát hành cổ phiếu ngân hàng TMNN đều được giá cao, thể hiện tiềm năng của các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Đối với các ngân hàng TMCP, trong số 9 NHTMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 1 ngân hàng còn lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt.
Đối với các NHTMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP; trong đó, NHNN đã phê duyệt 18 Phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu NHTMCP còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.
Agribank đã trải qua cuộc "thay máu" lãnh đạo
Riêng về Ngân hàng Nông Nghiệp Agribank – ngân hàng quốc doanh chưa được cổ phần hóa, Thống đốc nói, đây là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trong thời gian trước nhưng thời gian qua NHNN đã xây dựng một đề án lớn để tái cấu trúc lại Agribank. Đề án này bao gồm 8 đề án nhỏ đã được Chính Phủ phê duyệt, đang tổ chức triển khai.
Có thể thấy, Ngân hàng Nông nghiệp vừa trải qua một cuộc “thay máu” mà theo lời Thống đốc là “có phần xao xuyến” với việc thay đổi toàn bộ đội ngũ lãnh đạo. Trong cuộc thay máu này, NHNN đã phải thành lập ban chỉ đạo làm cầu nối giữa Agribank với Ban cán sự Đảng để trực tiếp chỉ đạo việc cơ cấu lại.
Thống đốc cho biết, năm nay Agribank có thể tăng trưởng tín dụng từ 7- 8 %. Nhưng điều quan trọng nhất là ngân hàng này sẽ tập trung toàn bộ vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn chứ không cho vay trên tất cả các lĩnh vực như trước đó.
Việc này thể hiện ở tỷ trọng cho vay nông nghiệp và phát triển nông thông ở Agribank Hà Nội và Hồ Chí Minh đã đạt 70%, thời gian tới sẽ phấn đấu nâng lên mức 80%.
“Mặc dù yếu kém nhưng tất cả các chi nhánh Agribank ở các tỉnh đều là chỗ dựa của bà con nông dân, là chỗ dựa của Chính quyền trong phát triển NN&NT.” – Thống đốc kết luận.
Thống đốc nhận trách nhiệm về sai phạm ngành ngân hàng
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm Thống đốc trong các sai phạm ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “Dù tất cả các sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào, dù thời đó tôi có làm Thống đốc hay chưa nhưng đến bây giờ tôi làm thống đốc vẫn thuộc trách nhiệm của Thống đốc NHNN và tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm những sai phạm đó”.
Theo Thống đốc Bình, trong thời gian vừa qua, NHNN đã triển khai rất quyết liệt hoạt động thanh tra giám sát và đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật, công an trong vấn đề giám sát hoạt động các ngân hàng.
Tuy nhiên, quan điểm của NHNN là không hình sự hóa quan hệ dân sự, mà chỉ là phát hiện sai phạm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng khắc phục. Chỉ đến khi các tổ chức tín dụng không khắc phục được, làm hại đến tài sản nhân dân thì mới xử lý hình sự.
Theo Thống đốc, nhờ các hoạt động thanh tra giám sát tại chỗ rất sát sao trong thời gian vừa qua mà các sai phạm cực lớn như Huyền Như, bầu Kiên, ACLII, Lifepro… đã được phát hiện.
Các vụ việc đó đều xảy ra trước năm 2011 nên đều đã được báo cáo trong các bản kiểm điểm, phê bình và tự phê bình hồi cuối năm.
Nói về Ngân hàng Xây dựng, Thống đốc nhận định, trong giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu có rất nhiều vấn đề nan giải. Tiền thân của VNCB là Ngân hàng Đại Tín – một ngân hàng nhỏ thuộc dạng phải tái cơ cấu. Việc tái cơ cấu các Ngân hàng thương mại luôn được áp dụng nguyên tắc tự nguyện và sử dụng lực lượng thị trường để xử lý bằng cách tìm các đối tác có năng lực tài chính để tái cơ cấu. Có như vậy mới tiết kiệm được nguồn lực của nhà nước.
Các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu thời gian qua đều theo nguyên tắc này, nhờ đó để giữ ổn định và tiết kiệm nguồn lực của nhà nước. Tuy nhiên, trong các bên tham gia thì có một doanh nghiệp (Tập đoàn Thiên Thanh), mà Thống đốc cho biết, theo đánh giá tại thời điểm đó, không chỉ của Ngân hàng Nhà nước mà của các ban chỉ đạo tái cơ cấu, của cả Chính phủ, các đề án đều được các cơ quan liên quan thông qua, đều cho rằng họ có năng lực tài chính. Nhưng trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này có sai phạm.Chưa cần thiết điều chỉnh tỷ giá
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc NHNN có nên giữ ổn định tỷ giá như hiện nay hay không khi mà mặt bằng lạm phát đang kiểm soát ở mức thấp, Thống đốc cho biết, vừa qua chúng ta đã chủ động điều chỉnh 1% của tỷ giá, sau 10 ngày, thị trường điều chỉnh theo tỷ giá mới theo xu hướng xuống thấp hơn mức tỷ giá trần của tỷ giá cũ. Do đó, NHNN phải thiết lập mức mua 21.200 đồng/USD, cao hơn mức tỷ giá bình quân trung bình để không làm tỷ giá rớt xuống ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Thống đốc nói, diễn biến tỷ giá hiện nay do thị trường điều tiết hoàn toàn. Đây là cơ chế thị trường, do quan hệ cung cầu trên thị trường. Theo phân tích cơ cấu hàng xuất khẩu hiện nay, việc điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn nữa là chưa cần thiết và chưa đạt hiệu quả như chúng ta nghĩ.
Về câu hỏi của đại biểu về mức tăng GDP gắn liền với lạm phát, Thống đốc cho biết mục tiêu đề ra cho tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,2%, lạm phát 7%. Thống đốc dự báo GDP năm 2015 có thể đạt từ 6 - 6,2% nhưng nếu để lạm phát ở mức 7% là không nên mà nên để lạm phát dưới 6%. Thống đốc cho rằng năm nay cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức thấp để tạo đà kiềm chế lạm phát năm sau dưới mức 6%.
Tự tin với mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Đại biểu đặt câu hỏi tín dụng có thể đạt mục tiêu hay không khi mà hiện mới được 7%, Thống đốc cho biết 3 năm qua tín dụng đều tăng trên 10% và năm nay sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Trả lời về các nguồn tiền, các chương trình hỗ trợ vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy sản, Thống đốc cho biết, gói 16 ngàn tỷ đồng cho phát triển thủy sản là lấy từ nguồn ngân sách, không phải từ ngân hàng nên ngành ngân hàng không đề ra cơ chế chính sách. Tuy nhiên, Thống đốc sẽ chuyển tới Bộ Tài chính trả lời đại biểu câu hỏi này.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định đã nỗ lực nhiều để hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân, đặc biệt là người nuôi tôm. Hiện nay các TCTD đã thực hiện khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ sản xuất nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn tới 36 tháng, đồng thời áp dụng lãi suất ưu tiên.
Về việc tiếp cận vốn, Thống đốc cho biết các NHNN đã làm việc với lãnh đạo các địa phương, các ngân hàng trên địa bàn để tiếp cận doanh nghiệp nhằm hỗ trợ vốn vay. Nếu doanh nghiệp nào có phương án sản xuất kinh doanh tốt mà chưa tiếp cận được vốn thì có thể liên hệ đường dây nóng với ngân hàng.
Tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tăng mạnh
Trả lời chất vấn về gói 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản, Thống đốc cho biết, tính đến ngày 20/9/2014 tổng số khách hàng được tiếp cận vay vốn 7.823, trong đó có 26 doanh nghiệp. Tổng số vốn cam kết cho vay đạt 5.900 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng. Số vốn cam kết cho hộ gia đình và cá nhân vay là 3.100 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng.
"Như vậy có thể thấy, so với đầu năm 2013, tốc độ cho vay gói 30.000 tỷ đã tăng trưởng 3,5 lần, một tốc độ tăng trưởng rất lớn", ông Bình nhấn mạnh.
Thống đốc cho biết thêm, cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Nghị định 61 đã tăng thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay vốn tối đa là 15 năm, thay vì 10 năm khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn. Cùng với đó, nghị định cũng cho phép mở rộng thêm một số đối tượng được vay gói 30.000 tỷ khi mua, thuê hoặc sửa chữa nhà ở. Với những quy định mới này, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ sẽ tăng tốc hơn nữa.
"Hiện nay, NHNN và các bộ liên quan đang khẩn trường hoàn thiện thông tư để hướng dẫn triển khai những vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị định 61", Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Thống đốc cho biết thêm, hiện có những đánh giá tích cực về thị trường BĐS trong 9 tháng vừa qua khi dần ấm lên, lượng giao dịch cũng tăng lên đáng kể. Điều này thể hiện ở tổng dư nợ của BĐS trên toàn hệ thống ngân hàng đã tăng từ 9,82% trong tháng 7/2014 lên mức 12% trong tháng 9.
Không có gói tín dụng 2 tỷ USD cho công chức vay mua nhà
Trả lời câu hỏi của đại biể về chương trình cho vay mua nhà đối với người làm công ăn lượng, lực lượng vũ trang với mức vay lên tới 2 tỷ đồng/hợp đồng, Thống đốc vui vẻ trả lời: “Cũng có thể ai đó có một ý tưởng nào đó ở một đâu đó và trao đổi với ai đó, chứ với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi chưa hề có chủ trương nào về lĩnh vực này. Do vậy chính thức chúng ta chưa có chương trình đó”.
Về chương trình cho vay tín chấp, đây là một trong những chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước đang tháo gỡ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vốn có ít tài sản nhưng năng lực sản xuất lại muốn sản xuất cao. Thời gian qua, Thống đốc NHNN đã đi nhiều địa phương và tháo gỡ cho vay nhiều trường hợp.Tuy nhiên, cho vay tín chấp phải trên cơ sở đánh giá được hiệu quả một cách chính xác mới có thể triển khai được.
Trả lời chất vấn của đại biểu về hiện tượng huy động tăng, cho vay giảm, có áp lực lạm phát không, Thống đốc Bình cho biết hiện huy động tăng gần 10%, tín dụng gần 7%, tức mức chênh khoảng 2%. Tổng dư nợ so với tổng vốn huy động trong nền kinh tế trong hệ thống ngân hàng đạt 89,7%, giảm rất nhiều so với tỷ lệ hơn 126% thời điểm bắt đầu tái cơ cấu.
Lãi suất có xu hướng giảm nhưng thấp
Trả lời chất vấn về khả năng có giảm lãi suất thời gian tới hay không, Thống đốc cho biết, việc giảm lãi suất định hướng của NHNN, chứ lãi suất thị trường đã có sự điều chỉnh. Hiện chỉ còn mức lãi suất trần 6 tháng đặt ở mức 6% và trên thực tế cũng là chỉ định hướng so với lạm phát bởi trên thực tế, các tổ chức tín dụng đã huy động hơn mức trần khá nhiều. Nếu đưa mức lãi suất trần xuống, ví dụ như 5% để cho phù hợp với diễn biến lạm phát của năm nay thì kỳ vọng lạm phát còn ở mức cao hơn. Nếu chính sách không ổn định sẽ tạo ra chấp chới, mất niềm tin của nhân dân, dù vậy NHNN sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của đại biểu, tiếp tục phân tích và theo dõi sát tình hình, khi các điều kiện cho phép chúng tôi sẽ tiến hành.
Về lãi suất cho vay, Thống đốc Bình cho biết, lãi suất cho vay có xu hướng tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, nhưng giảm với mức độ rất thấp.
37 câu hỏi cho Thống đốc
Đánh giá về phiên chất vấn của Thống đốc NHNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là lần thứ hai Thống đốc trả lời chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Phiên chất vấn đã có 19 đại biểu đặt 37 câu hỏi, các câu hỏi đi thẳng vấn đề, chủ đề chất vấn, phần trả lời cũng bám sát, đi thẳng vấn đề được hỏi.
Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phần trả lời Thống đốc cho thấy, Thống đốc đã rất nghiêm túc và có nhiều nỗ lực về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Phương Thảo (tổng hợp)