Ảnh minh họa |
Nếu kế hoạch trên được thực hiện thì đây sẽ là lần thứ 3 Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trong vòng 9 năm qua. Hai lần trước được thực hiện vào năm 2005 và 2010.
Các thông tin chi tiết về đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần này như thời điểm, mức lãi suất, hay giá trị vẫn chưa được công bố. Nhưng thông tin về đợt phát hành trên đã được các chuyên gia trong cuộc đánh giá rất tích cực.
Ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, đây là thời điểm rất thích hợp để Chính phủ tái cấu trúc tỷ lệ nợ công hiện tại thông qua khoản vay mới. Theo ông, Chính phủ không nên bỏ qua cơ hội có thể giảm lãi suất phải trả hiện tại bằng việc phát hành trái phiếu này.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, ngoại trừ tình hình nợ xấu còn khá cao, các chỉ số khác về kinh tế của Việt Nam trong hai năm qua đã được cải thiện rất nhiều. Có thể thấy rằng, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước đang được cải thiện, với giá trị đồng tiền ổn định, lạm phát thấp... Trong khi đó, định mức tín nhiệm của Việt Nam được đánh giá tăng trong thời gian qua sẽ giúp tăng độ hấp dẫn của trái phiếu đối với giới đầu tư trên thị trường quốc tế.
Ông Dan Svenssion, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, bất chấp những bất ổn chính trị xảy ra trên toàn cầu, rất nhiều NĐT vẫn muốn mua vào trái phiếu quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước đã trở nên ổn định hơn rất nhiều so với những năm trước. Hơn nữa, phát hành vào thời điểm này sẽ có lợi khi giá hợp đồng bảo hiểm rủi ro tài sản (CDS) đối với trái phiếu quốc tế của Việt Nam đang khoảng 200 điểm, một mức mà theo ông Dan Svenssion là tốt hơn rất nhiều so với khoảng 400 điểm cách đây 3 năm và 300 điểm vào năm ngoái.
Thực ra, kế hoạch phát hành đợt 3 trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế đã được tính đến từ năm ngoái, nhưng chưa được triển khai. Hiện nay, thời điểm phát hành được coi là đã thuận lợi, nhưng vấn đề đặt ra là Chính phủ sẽ sử dụng số tiền huy động được từ phát hành trái phiếu quốc tế này như thế nào. Việc sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu đợt trước, có ý kiến cho rằng không mang lại hiệu quả gì nhiều. Đặc biệt với khoản 750 triệu USD đợt một cho Vinashin - nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - vay lại thì sau đó tập đoàn này phát triển… đi xuống rất nhanh.
Còn với đợt phát hành trái phiếu lần này, theo như Chính phủ dự định chỉ là để đảo nợ hưởng mức lãi suất thấp hơn, xem ra mục đích phát hành được coi là hợp lý. Đặc biệt là khi thời điểm phải trả nợ cho khoản 750 triệu USD đáo hạn vào năm 2016 sắp đến. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ vào đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần này Việt Nam có thể củng cố được vị thế của mình trên thị trường quốc tế.