Sự trở lại của ngân hàng quốc doanh
Theo báo cáo giám sát mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng, xét cả về vốn điều lệ, tổng tài sản lẫn huy động vốn và tín dụng.
Cụ thể, vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP quốc doanh chiếm 30,8% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống. Thị phần huy động sau khi sụt giảm vào năm 2013 đã tăng trưởng trở lại trong năm 2014. Thị phần tín dụng cũng tiếp tục giữ vị trí chi phối, với tỷ lệ trên 52%.
Thị phần có lúc sụt xuống dưới 40%, nay các ngân hàng quốc doanh đã bứt phá mạnh mẽ và chiếm thị phần áp đảo |
Những con số trên cho thấy, khối ngân hàng TMCP quốc doanh đã bứt phá trở lại sau một thời gian dài suy giảm thị phần. Trước đó, năm 2005, thị phần cho vay và huy động của khối này lên tới 74%, song đã giảm mạnh từ năm 2006, còn hơn 40% vào năm 2013.
Sở dĩ khối ngân hàng quốc doanh sụt giảm là do thời gian qua, nhất là giai đoạn 2006 - 2007, các ngân hàng TMCP phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng dịch vụ. Nhiều khách hàng vốn là độc quyền của khối ngân hàng quốc doanh trước đây như Vietnam Airlines, Vinacomin, PV Oil, Petrolimex..., cũng đã lọt vào tay ngân hàng cổ phần.
Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, khối ngân hàng TMCP quốc doanh đã có sự bứt phá mạnh mẽ, chiếm thị phần áp đảo. Trong khi nhiều ngân hàng cổ phần đang chật vật huy động và cho vay, thì nhiều ngân hàng TMCP quốc doanh tự tin khẳng định sẽ vượt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Danh Lương, Phó tổng giám đốc Vietcombank, ngân hàng này hoàn toàn có khả năng đạt chỉ tiêu 16% trong năm nay. Tương tự, bà Bùi Thị Như Ý, Phó tổng giám đốc VietinBank cũng tin tưởng, ngân hàng này sẽ thực hiện được chỉ tiêu tăng tín dụng 14 - 15%.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự trở lại mạnh mẽ của các ngân hàng quốc doanh một phần là do các ngân hàng này đã kịp nhìn ra nguy cơ tụt hậu của mình và bắt đầu lao vào cuộc chiến đổi mới chất lượng dịch vụ, cạnh tranh giành lại thị phần. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, thời gian qua, các ngân hàng này đã nhận được nhiều ưu ái của Nhà nước, cộng với lợi thế về các khách hàng lớn, có lợi thế về nguồn tiền gửi giá rẻ...
Ngoài ra, việc cổ phần hóa và bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài cũng khiến sức mạnh của nhiều ngân hàng quốc doanh được nâng lên đáng kể.
Ngân hàng cổ phần đang suy yếu?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) bình luận: "Từ khi khủng hoảng xảy ra, chúng tôi đã dự đoán sức mạnh của khối ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ mạnh lên, vì đây là khối doanh nghiệp có nguồn lực lớn và có sự bảo vệ của Chính phủ".
Mặc dù vậy, TS. Thành cho rằng, việc hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít ngân hàng quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sự suy yếu của các ngân hàng cổ phần hiện nay là điều đáng lo. Nếu thị trường chỉ tập trung vào một số ngân hàng quốc doanh thì có thể sẽ xảy ra tình trạng thao túng thị trường. Chưa kể, các DNNN nói chung thường kém minh bạch, kém khả năng thích ứng và cạnh tranh trên thị trường. Do đó, cần phát triển cân đối giữa khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần.
Khách quan hơn, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận xét: "Nhiều ngân hàng cổ phần trước đây ào ào chuyển từ nông thôn lên thành thị, vốn điều lệ không thực chất và thời điểm này bắt đầu phơi bày mọi yếu kém. Chính vì vậy, thị phần nhiều ngân hàng cổ phần đi xuống. Tuy nhiên, sự thanh lọc này là cần thiết cho toàn hệ thống. Trên thị trường có khoảng 10 ngân hàng cổ phần có sức cạnh tranh tốt. Vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, khối ngân hàng cổ phần chắc chắn sẽ bám đuổi, thậm chí vượt qua ngân hàng quốc doanh".
Chưa biết trong tương lai, khối ngân hàng cổ phần có giành lại thị phần đã mất hay không, song rõ ràng, sự cạnh tranh bao giờ cũng mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.