Trên thực tế, các vụ án dân sự kiện đòi nợ giữa ngân hàng và con nợ (cá nhân, DN) có xu hướng gia tăng thời gian qua đã bộc lộ nhiều "kẽ hở", khiến nhiệm vụ THA bị bất khả thi!
Dễ "lách" quy định thi hành án
Gần 2 năm trước (năm 2012), Ngân hàng Navibank- chi nhánh Hải Phòng đã cùng lúc theo đuổi 4 vụ kiện đòi nợ gần 3 tỷ đồng nợ xấu của 2 DN tư nhân. Tòa án đã tuyên ngân hàng thắng kiện, được kê biên, phát mại nhà đất của chục hộ dân được dùng bảo đảm cho nợ vay.
Nhưng bi kịch ở chỗ, những tài sản là "nhà 3 tầng kiên cố" hay "biệt thự vườn" như hồ sơ thế chấp của ngân hàng lại không hề tồn tại, mà chỉ được "vẽ" trên giấy tờ. Do đó, bản án có hiệu lực từ lâu nhưng việc THA lại rơi vào "bế tắc", còn ngân hàng có nguy cơ mất vốn.
Một trường hợp nữa là Ngân hàng SHB phải xử lý thu hồi khoản nợ xấu 28 tỷ đồng từ năm 2012 (nợ vay của Habubank chuyển sang) tại Công ty TNHH Nhựa Ngọc Hải (Hải Phòng).
Sau khi chủ DN "biến mất", tài sản công ty bị chủ nợ ngoài cướp sạch, SHB mới "tá hỏa" kiện đòi xử lý tài sản. Vì DN không thể trả nợ, khi ấy SHB đã được phép siết nợ, bán đấu giá tài sản (nhà xưởng, dây chuyền). Nhưng giá trị tài sản đấu giá thấp hơn khoản nợ thì ngân hàng khó thu hồi được đủ vốn.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ kiện đòi nợ của ngân hàng, mà việc THA cũng khó bảo đảm thu được nợ. Sự việc có thể càng phức tạp, tồn đọng kéo dài hơn nếu con nợ chống đối, không giao tài sản hoặc tài sản có tranh chấp…
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình (tỉnh Bến Tre) cho hay, khi THA với tài sản cầm cố, thế chấp, đã có nhiều người lợi dụng quyền khởi kiện, "mượn tay" tòa án để giải quyết một vụ án dân sự khác nhằm tẩu tán tài sản bảo đảm, trốn trách nhiệm trả nợ. Kể cả khi Chấp hành viên đã ra quyết định dừng thay đổi sở hữu, hiện trạng tài sản thì đương sự lại quay ra khởi kiện hành chính đối với cơ quan có thẩm quyền vì không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
"Độc chiêu" xử lý nợ xấu
"Có đương sự khởi kiện tranh chấp hợp đồng, rồi thỏa thuận để tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu thì tài sản bảo đảm đang phải THA lại phải thanh toán cho thêm một đối tượng của vụ án khác, mà thực chất là đương sự muốn trốn tránh nghĩa vụ thanh toán", bà Bình nói và đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật THA dân sự (sửa đổi) lần này quy định rõ "tòa án có thể từ chối thụ lý vụ án hoặc đình chỉ vụ án khi nguyên đơn dân sự có tranh chấp ở vụ án khác" để hạn chế tình trạng này.
Ngân sách bị thất thu
Hiện nay, chi phí tổ chức cưỡng chế thu tài sản, bán đấu giá là tiền Nhà nước tạm ứng và được hoàn trả sau khi hoàn tất THA. Nhưng, thực tế có không ít vụ án mà tài sản bị kê biên, đấu giá không đủ để trả nợ cho các ngân hàng, chủ nợ, trả nợ thuế, BHXH… nên khó có khả năng thu được tiền án phí, tiền THA.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình chỉ ra một quy định không phù hợp của Dự thảo Luật THA khi xử lý tiền THA. Đơn cử, Điều 47 của Luật quy định: ưu tiên thanh toán trước cho bên nhận tài sản cầm cố, thế chấp. Trong khi, việc nhận cầm cố, thế chấp này chưa rõ có hợp pháp không. Còn bên THA lại không được thanh toán chi phí.
Hơn nữa, "quy định Chấp hành viên phải thanh toán án phí trong vòng 10 ngày (kể từ khi bán đấu giá xong) cũng không khả thi. Vì có nhiều vụ đã bán đấu giá tài sản, thu tiền nhưng không bàn giao được tài sản, nên không còn tiền trả cho người mua đấu giá, khiến họ sợ mua tài sản đấu giá", bà Bình nói, đề xuất chỉ nên quy định "thực hiện thanh toán sau khi giao tài sản cho người mua trúng đấu giá".
Đề xuất sửa Điều 104 dự thảo Luật về xử lý tài sản đấu giá bị "ế", đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cho rằng nên bổ sung cụm từ "tự nguyện tạm ứng tiền tổ chức bán đấu giá" vào sau "Trường hợp người được THA không đồng ý nhận tài sản để THA". Bởi nếu cứ cho phép bán đấu giá tài sản nhiều lần sẽ gây khó cho ngành THA, tốn kém chi phí đấu giá mà Nhà nước phải tạm ứng tiền.
Do đó, bà Liên đề xuất sửa đổi thành: "Trường hợp người THA không nhận tài sản thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí tổ chức THA, thì được giao lại cho người THA để xử lý".