Tạo niềm tin về chính sách tỷ giá

Giữa rất nhiều mục tiêu khó khăn như phải hỗ trợ DN, duy trì ổn định lạm phát, giá trị nội tệ… NHNN phải có lựa chọn mục tiêu nào lớn và có tác động mạnh đến thị trường hơn. Đó là giữ ổn định tỷ giá.

Sau thông điệp NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá vào chiều muộn 18/11, thị trường ngoại tệ sáng 19/11 đã hạ nhiệt. Các NHTM đồng loạt hạ giá USD sau khi tăng nóng phiên trước đó. Hôm qua (19/11), tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 21.340 - 21.400 đồng/USD, giảm 20 đồng so với 18/11. Cũng giảm 20 đồng, tỷ giá tại ACB và Eximbank xuống 21.320 - 21.400 đồng/USD. Giảm 15 đồng mua vào, 10 đồng bán ra là tỷ giá được niêm yết tại DongABank: 21.330 - 21.410 đồng/USD...

Theo đánh giá của các chuyên gia, thông báo của NHNN không điều chỉnh tỷ giá là phù hợp. Từ giác độ của các NH, theo TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT DongABank thì cầu ngoại tệ từ các DN có tăng nhưng ở mức độ không lớn. Đồng quan điểm, theo quan sát của TS. Cấn Văn Lực, quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường biến động nhẹ nên có tạo chút "sóng" trên thị trường. Điều này không quá bất ngờ đối với thị trường ngoại tệ. Vì theo chu kỳ kinh doanh, thời điểm cuối năm, các DN thường cần ngoại tệ thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh cho tháng lễ tết... nên tỷ giá thường có dao động. Và năm nay cũng không ngoại lệ.

Cầu ngoại tệ tăng, trong khi nguồn cung có thay đổi theo chiều hướng giảm nhẹ khi các NH phải giảm bớt trạng thái âm ngoại tệ và DN cũng bán ra ít hơn vì cần dùng đến ngoại tệ. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể cung - cầu trên thị trường không chênh lệch nhiều. Bởi nguồn cung ngoại tệ được đánh giá khá dồi dào. Và trong thực tế đã có khách hàng mua được ngoại tệ từ NHNN.

TS. Lực phân tích: Tính từ đầu năm đến thời điểm này, thặng dư cán cân thương mại đã khoảng hơn 2 tỷ USD; nguồn kiều hối, ODA, FDI giải ngân và tăng trưởng tốt hơn năm ngoái 6-7%. Cộng với mức dự trữ ngoại hối dồi dào nhất từ trước đến nay vào khoảng 35 tỷ USD… thì NHNN hoàn toàn có thể can thiệp giữ ổn định thị trường.

Với ý kiến cho rằng, nếu nhìn góc độ vĩ mô, khi lạm phát đang ở mức thấp, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ vẫn tăng mạnh, trong khi tổng cầu còn yếu thì NHNN vẫn còn dư địa để điều chỉnh tỷ giá, vừa không tạo bất ổn mà lại còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.

Về điều này, TS. Lực cho rằng cơ quan điều hành đều tính đến, nhưng để đưa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá phải xét trên tổng thể lợi ích của nền kinh tế. Có thể đồng USD tăng giá so với ngoại tệ khác nhưng đó là ngoại tệ nào, có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam hay không?

Theo lý giải của vị chuyên gia này, nếu "đồng bạc xanh" lên giá so với euro, bảng Anh… thì đây là những thị trường không phải là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các DN. Nhưng nếu đồng USD lên giá so với các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Indonesia… thì cơ quan điều hành phải để mắt tới nhân tố này. Đương nhiên để kiểm soát được điều này, NHNN sẽ phải bám sát phân tích, nghiên cứu diễn biến đồng ngoại tệ này trên mọi phương diện. Hay nói cách khác, để điều chỉnh tỷ giá NHNN cân nhắc ở nhiều góc độ.

Đồng tình quan điểm này, lãnh đạo Viện CIEM từng dự báo, sau lần điều chỉnh tỷ giá hồi giữa năm, là khả năng NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá hoặc chỉ điều chỉnh 0,5%. Bởi qua quan sát của ông về cách điều hành của NHNN trong suốt thời gian qua thì thấy, Thống đốc NHNN khá thận trọng trong điều hành chính sách tỷ giá. Và các điều chỉnh chính sách của NHNN đều nhằm đảm bảo mức độ hấp dẫn của đồng VND so với USD, gia tăng niềm tin của người dân vào giá trị VND. Điều đó có thể nhận thấy rõ qua việc NHNN vừa thực hiện giảm lãi suất VND cả huy động và cho vay theo xu hướng giảm của lạm phát.

Cùng với đó, lãi suất tiền gửi USD cũng được giảm xuống từ 1% còn 0,75%/năm. Hiện lãi suất huy động VND bình quân vào khoảng 5-6%/năm, trong khi đó lạm phát năm nay dự kiến dưới 5%. Như vậy, nếu giữ được tỷ giá thì người dân không còn lo lắng về sự mất giá của VND.

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này có nhiều dư địa, nhiều lựa chọn cho nhà điều hành. Nhưng khi đặt trong mục tiêu tổng thể nền kinh tế thì việc lựa chọn mục tiêu là vấn đề không đơn giản đối với nhà điều hành. Giữa rất nhiều mục tiêu khó khăn như phải hỗ trợ DN, duy trì ổn định lạm phát, giá trị nội tệ… NHNN phải có lựa chọn mục tiêu nào lớn và có tác động mạnh đến thị trường hơn. Đó là giữ ổn định tỷ giá.

"Tôi nghĩ rằng NHNN đã làm tốt vai trò nhà quản lý khi đang giữ ổn định giá trị của VND. Đó là chưa kể sau những tuyên bố của NHNN cùng với điều chỉnh chính sách kịp thời đều tác động rất tích cực đến thị trường. Theo đó, ngày càng tạo niềm tin cho dân chúng về chính sách tỷ giá", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.