Cân đối lại nguồn vốn đảm bảo thanh khoản
Từ thời điểm cuối tháng 5 đến nay một số NH đã tăng lãi suất huy động VND. Có những NH điều chỉnh kỳ hạn ngắn, từ 1 đến 6 tháng như VietinBank tăng lãi suất đối với kỳ hạn 1 và 3 tháng từ 0,4 - 0,5%/năm. Tuy nhiên, số NH tăng lãi suất kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên có vẻ áp đảo.
Cụ thể, tại ACB điều chỉnh tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 6-36 tháng. 0,3 - 0,5%/năm là mức tăng lãi suất tiền gửi bằng VND cho kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng của Agribank. Sau khi điều chỉnh, hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của BIDV ở mức cao nhất so với các NHTM Nhà nước là 6,5%/ năm. Với kỳ hạn 12 tháng, TPBank vươn lên dẫn đầu khối NHTMCP với lãi suất tiền gửi 7,45%/năm. Có thể dễ dàng nhận thấy, các NH đang có xu hướng tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn. Và chênh lệch lãi suất huy động vốn ngắn hạn với trung, dài hạn ngày càng doãng ra khá xa.
![]() |
NH tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp |
Động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn được Chủ tịch HĐQT của một NH đánh giá: Tùy theo chiến lược kinh doanh của từng NH. Có NH cần vốn ngắn hạn thì tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và ngược lại. Lý giải đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động lần này các NH lại tập trung vào các kỳ hạn dài, vị lãnh đạo NH trên cho rằng, thời gian qua, trong cơ cấu nguồn vốn của các NH vốn ngắn hạn vẫn chiếm phần lớn, nguồn vốn dài hạn vẫn khá khiêm tốn. Trong khi đó, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, phục vụ các dự án đòi hỏi nguồn vốn dài hơi hơn. Vì vậy, các NH tăng lãi suất huy động vốn dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn.
Việc tăng lãi suất lần này của ACB được lãnh đạo NH này tiết lộ lý do là nhằm cân đối lại nguồn vốn. Cụ thể tại ACB, số dư huy động tính đến ngày 30/5 là trên 158,794 nghìn tỷ đồng, trong đó, số dư cho vay đạt mức trên 122,371 nghìn tỷ đồng. Với chênh lệch giữa huy động và cho vay có thể gây ra áp lực về độ an toàn trong cơ cấu vốn và tài sản của NH. Vì lẽ đó, NH phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để hút khách, bù đắp nguồn vốn đang bị thiếu hụt.
Sự thận trọng trong cơ cấu lại nguồn vốn theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng là rất quan trọng và không phải ngẫu nhiên mà NHNN lại quản rất chặt tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Bởi thực tế có thời điểm sự mất cân đối vốn đã ảnh hưởng đến sự an toàn của NH nói riêng, cả hệ thống nói chung. Do đó, các NH phải có đủ nguồn vốn trung dài hạn cho phép thì mới cho vay vốn trung, dài hạn. Mặt khác, thời gian qua, lãi suất huy động thấp hơn kỳ vọng của khách hàng, và vốn huy động chảy vào hệ thống có dấu hiệu chững lại nên các NH điều chỉnh tăng nhẹ để giữ chân khách hàng.
Việc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn dài được các chuyên gia đánh giá là cần thiết để đưa lãi suất các mức kỳ hạn về đúng bản chất rủi ro cao lãi suất cao và ngược lại. Theo đó, thiết lập đường cong lãi suất chuẩn hơn.
Lãi suất đầu ra có chịu áp lực tăng?
Lãi suất huy động tăng trở lại khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay không những không giảm được mà lại có xu hướng tăng. Trong khi đó, NHNN cũng như DN vẫn đang mong muốn lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm thêm để thúc đẩy sản xuất. Về vấn đề này Chủ tịch HĐQT một NHTM lớn bày tỏ quan điểm, lãi suất đầu vào cao đương nhiên đầu ra cũng sẽ phải cao hơn.
![]() |
Nhiều DN có năng lực tài chính tốt đã được vay vốn lãi suất thấp |
Mặt khác, cho vay trung, dài hạn rủi ro cao hơn nên lãi suất phải cao hơn là tất yếu. Dù mặt bằng lãi suất điều chỉnh tăng nhẹ thì theo vị lãnh đạo trên, các DN vẫn có thể sẵn sàng chấp nhận để chớp lấy cơ hội cho kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. "Tất nhiên, còn tuỳ thuộc vào cân đối cơ cấu giá vốn của mỗi NH. Lãi suất cho vay cao quá thì cũng không ai dám vay", vị này nói thêm.
Theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay trung, dài hạn đang được các NHTM áp dụng phổ biến ở mức 9 - 10%/năm. Tuy nhiên, lãnh đạo các NH cho biết, hiện có không ít khách hàng DN tốt đã được vay ở mức 7-8%/năm. Tất nhiên, đó chỉ là những khách hàng được đánh giá năng lực tài chính tốt, khả năng thu hồi vốn cao, nên các NH mới mạnh dạn cho vay với lãi suất thấp. Vì thực tế 100% vốn cho vay trung, dài hạn không phải đến từ nguồn vốn huy động trung, dài hạn mà có thể đến từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Là người trong cuộc, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng đưa ra quan điểm khác. Theo ông Tùng, không phải cứ NH tăng lãi suất huy động đầu vào 1% là họ phải tăng lãi suất đầu ra tương ứng. Có thể NH muốn tăng cường huy động vốn trung, dài hạn để đảm bảo thanh khoản bền vững cho NH. Và như thế họ chấp nhận tăng chi phí huy động vốn. Mặt khác, trong cơ cấu sử dụng vốn, các NH luôn phải đảm bảo nguồn dư dả để giải ngân cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Với đặc thù của DN kinh doanh tiền, NH không thể kinh doanh theo kiểu chạy gạo đong từng bữa. Nếu NH có kế hoạch tăng dư nợ trung, dài hạn vào cuối năm thì ngay từ bây giờ, họ phải thực hiện chiến lược huy động. Bởi không phải cứ tăng lãi suất là NH huy động được vốn ngay. Có sự chuẩn bị trước về nguồn vốn, NH mới chủ động trong triển khai kế hoạch kinh doanh.
Nói như vậy nhưng các NH vẫn có cách giữ mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại, thậm chí vẫn có thể giảm lãi suất. Vì nguồn vốn cho vay trung, dài hạn có thể đến từ nhiều nguồn vốn khác nhau: trung, dài hạn; ngắn hạn; không kỳ hạn… Giống như rổ hàng hoá, khi nó được trung hoà thì giá hàng hoá thấp đi. Ngoài ra, theo ông Tùng, các NH còn nhiều cách khác để không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay như tiết giảm chi phí hoạt động; tích cực thu hồi nợ xấu nợ quá hạn để giảm chi phí rủi ro. Cách làm này vô hình trung vừa tiết giảm chi phí lại nâng cao chất lượng kinh doanh, khả năng quản lý hoạt động.
Bên cạnh đó, hiện tại, các NH cạnh tranh rất quyết liệt trong việc tiếp cận khách hàng. Với những dự án tốt, khách hàng tốt đương nhiên được nhiều NH chào mời. Chính sự chào mời trên tạo ra cơ chế thương lượng rất bình đẳng giữa NH và khách hàng. Thời điểm này, các NH khó có thể kinh doanh theo kiểu bán cái mình có hoặc bán theo giá mình muốn. Mà phải bán theo mức giá thị trường đang cần. Như vậy, có thể, NH tăng lãi suất huy động trung, dài hạn nhưng chưa chắc NH nào cũng tăng lãi suất cho vay. Vì đầu ra tín dụng được quyết định bởi nhiều yếu tố cạnh tranh, thị trường và nhiều vấn đề khác nhau, đó là chưa nói đến vai trò điều tiết của NHNN.