Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là 1 trong 8 giải pháp tránh mất cân đối quỹ BHXH 

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chia sẻ với báo chí bên lề Chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề "Bảo hiểm xã hội: Nguy cơ vỡ quỹ và đề xuất chính sách" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức .

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, một trong 8 nhóm giải pháp để tránh mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội như: Thay đổi mức đóng, mức hưởng, phát triển đối tượng, khắc phục tình trạng nợ đọng như hiện nay… thì tăng tuổi nghỉ hưu là một trong số giải pháp này.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho rằng, hiện tuổi thọ người Việt Nam tăng lên nhiều so với cách đây mấy chục năm, trong khi từ năm 1960 đến nay chúng ta chưa điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh rất nhiều, thậm chí đến 65, 67 tuổi. Do vậy Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội đề cập nâng tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn phải tính sự hợp lý.

"Tôi cho rằng, Quốc hội cũng đang bàn thảo chứ chưa phải là bác hoàn toàn, bởi vì trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội có đề cập tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cũng phân biệt theo nhóm, không phải như thông tin đã đưa là đối với lĩnh vực lao động nặng nhọc mà nữ vẫn 60 tuổi, nam 62 tuổi mới được nghỉ hưu. Như thế là không đúng. Vì Dự thảo Luật đã phân biệt rất rõ, với những nhóm lao động nặng nhọc hoặc suy giảm khả năng lao động thì vẫn giữ nguyên như Luật hiện hành. Tức là dự thảo Luật lần này vẫn giữ nguyên không có mâu thuẫn với Luật Lao động đã ban hành mà chỉ là cụ thể thêm."- Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về chi phí cho bộ máy bảo hiểm xã hội quá lớn, cồng kềnh, thiếu hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh khẳng định, bất cứ một bộ máy nào cần hoạt động đều cần điều kiện tài chính đảm bảo cho nó. Thực tế chúng ta đang chi tiền cho bộ máy bảo hiểm xã hội tiết kiệm hơn rất nhiều nước (Năm 2013, tổng chi quản lý bộ máy được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.736,6 tỷ đồng, bao gồm cả chi quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ; trong đó, thực hiện khoảng 3.718,3 tỷ đồng, bằng 99,5% dự toán do tiết kiệm 10% chi phí quản lý, với số tiền là 18 tỷ đồng, tăng 142% so thực hiện năm 2012) .

Trong khi đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý của cơ quan Bảo hiểm xã hội của Việt Nam còn kém nhưng chi phí quản lý của chúng ta còn thấp hơn những nước có công nghệ tiên tiến như: Pháp, Nhật Bản và một số nước phát triển khác thì không thể nói là bộ máy cồng kềnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang được giao nhiệm vụ thu tiền của người lao động và chủ sử dụng lao động để hình thành Quỹ chi trả chính sách cho người lao động. Thực tế chúng tôi chưa sử dụng đến tiền của người lao động mà chỉ sử dụng một phần lãi tăng trưởng rất nhỏ. Toàn bộ số tiền gốc của người lao động được bảo toàn, đem đi đầu tư và sinh lời.

Trước câu hỏi về hoạt động đầu tư tăng trưởng của quỹ bảo hiểm xã hội chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ chưa bảo tồn giá trị của quỹ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho rằng, lãi suất đầu tư luôn ở dưới chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI), ví dụ lãi suất bình quân ở giai đoạn 2007-2012 chỉ khoảng 9,5%/năm; trong khi CPI bình quân là 13,2%/năm, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu bình quân là 15,2%/năm.

Một trong những nguyên nhân của hiệu quả đầu tư chưa cao là do hình thức đầu tư được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chưa được đa dạng, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa chuyên nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh kiến nghị cần sửa đổi hình thức đầu tư "Cho ngân hàng thương mại Nhà nước vay" bằng hình thức "gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ" cho phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng; đồng thời bổ sung hình thức đầu tư Uỷ thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư.

"Mục tiêu là tăng hiệu quả đầu tư của quỹ nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí an toàn, có tính bền vững và lâu dài"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.

Hiện nay, một số quốc gia giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc gọi là an sinh xã hội có cả nhiệm vụ thu và chi cho người tham gia như: Phần Lan, Thái Lan, Philipine, Indonesia... Nhưng mức chi phí cho hoạt động bộ máy được tính trên tổng số thu hoặc trên tổng số chi cho người tham gia. Chẳng hạn như: Phần Lan chi 3,4%, Thái Lan chi 6,3% trên tổng số chi, Indonesia chi 11,7%.

Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội được trích từ sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tính trên số thực thu hàng năm để phục vụ tuyên truyền, phát triển đối tượng, quản lý quỹ, quản lý đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội, ứng dụng CNTT, cải cách hành chính... Mức cụ thể sẽ do Chính phủ quy định sau khi có ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội định kỳ 3 đến 5 năm một lần.