Tăng trưởng tín dụng một số ngân hàng vẫn âm

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhận định, cho dù tín dụng tăng chậm trong thời gian qua, nhưng khả năng sẽ có dấu hiệu cải thiện dần trong thời gian từ nay đến cuối năm, khi nhu cầu vốn tăng phục vụ cho mùa sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.

Thưa ông, tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP.HCM 8 tháng đầu năm nay diễn biến ra sao?

Tăng trưởng tín dụng một số ngân hàng vẫn âm
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

Trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn TP.HCM đạt 4,68% so với đầu năm và tăng hơn so với cuối tháng 7/2014 (là 4,25%).

Còn tỷ lệ nợ xấu của các NHTM trên địa bàn Thành phố cuối tháng 7/2014 là 4,65%, giảm nhẹ so với một tháng trước đó. Nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh (chiếm 76% tổng nợ xấu). Lĩnh vực phi sản xuất chiếm 24% tổng nợ xấu.

Liệu tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm có cải thiện nhiều so với hiện nay?

Tăng trưởng dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu cải thiện tích cực kể từ tháng 7, cao gấp gần 9 lần so với mức tăng chung của toàn ngành ngân hàng (0,16%). Tuy mức tăng của dư nợ tín dụng trong tháng 8 có chững lại, nhưng khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn trong những tháng tới, khi nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vào mùa.

Ngoài những nỗ lực cấp vốn thông qua Chương trình Kết nối tín dụng ngân hàng-doanh nghiệp đang khá khả quan, thì vốn cho khách hàng vay của các ngân hàng cũng đang được cải thiện.

Tính đến nay, tổng vốn đã giải ngân qua Chương trình Kết nối tín dụng ngân hàng-doanh nghiệp đạt bao nhiêu, thưa ông?

Tính đến cuối tháng 8/2014, tổng vốn giải ngân của Chương trình Kết nối tín dụng ngân hàng- doanh nghiệp đạt 21.000 tỷ đồng và chỉ tiêu UBND TP.HCM đưa ra từ nay đến cuối năm, tổng vốn giải ngân sẽ đạt trên 30.000 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, kích cầu tín dụng.

Lãi suất cho vay đối với chương trình này chỉ là 7 - 8%/năm với khoản vay ngắn hạn và 9-11%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn. Ngoài ra, còn có thêm Chương trình Tín dụng bình ổn thị trường cuối năm, với sự tham gia của 8 NHTM trên địa bàn, tổng vốn giải ngân ước khoảng 8.300 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 5,5 đến 8%/năm. Vì thế, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố sẽ cải thiện tốt hơn những tháng tới để đạt mục tiêu 12 - 14% cho cả năm.

Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xếp hạng tín dụng nội bộ để gia tăng cho vay tín chấp. Các NHTM trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện chủ trương này đến đâu rồi?

Hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố đang tiến hành thực hiện chủ trương này, song chưa có số liệu tổng hợp. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu gia tăng, thì việc đẩy mạnh cho vay tín chấp cũng là điều được các ngân hàng cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Trên thực tế, không phải đến thời điểm này, ngân hàng mới cho vay tín chấp, mà đã thực hiện từ lâu, nhưng chỉ chọn lọc những khách hàng có sức khỏe tốt, dự án kinh doanh khả thi. Tỷ lệ cho vay tín chấp chỉ chiếm khoảng 17-18% tổng dư nợ đã giải ngân. Do đó, rất khó để kỳ vọng dư nợ tín chấp tăng mạnh.

Kết quả xử lý nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM thời gian qua ra sao, thưa ông?

Trong 7 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã xử lý được khoảng 8.000 tỷ đồng, nhưng nguồn xử lý nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu là do trích lập dự phòng từ lợi nhuận. Trong tổng nợ xấu, đã xử lý hơn 1.000 tỷ đồng bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

So với đầu năm, gần đây nợ xấu của các ngân hàng có dấu hiệu tăng, do phải thực hiện các quy định mới tại Thông tư 02/2014/TT- NHNN và Thông tư 09/2014/TT- NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh xử lý. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng vẫn âm.