Liên quan đến trái phiếu chính phủ, gần đây nổi lên 2 điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, tồn ngân (tức tiền vốn thu được từ phát hành trái phiếu chính phủ chưa được giải ngân theo kế hoạch) được báo chí đưa tin đang ở mức cao (90.000 tỷ đồng), buộc Kho bạc Nhà nước phải gửi vào hệ thống ngân hàng hưởng lãi không kỳ hạn ở mức lãi suất thấp hơn lợi suất trái phiếu phải trả cho trái chủ, là một dạng gây tổn thất ngân sách.
Thứ hai, trong bối cảnh giải ngân vốn trái phiếu vẫn đang gặp khó khăn mà Bộ tài chính lại tăng hạn mức phát hành trái phiếu chính phủ từ 210.000 tỷ đồng lên 232.000 tỷ đồng trong năm nay.
Giải thích 2 vấn đề trên, Bộ tài chính cho rằng chúng là 2 vấn đề không liên quan đến nhau. Tồn ngân của hệ thống kho bạc tăng là do tồn của các nguồn: ngân sách Trung ương, địa phương và tiền gửi của các đơn vị hành chính sự nghiệp tại hệ thống kho bạc. Trong số 90.000 tỷ đồng tồn ngân, thì chỉ có khoảng hơn chục nghìn tỷ đồng là thuộc ngân sách Trung ương. Đây là con số không có gì bất thường so với cùng kỳ các năm.
Trong khi đó, việc phát hành TPCP là nhằm bù đắp bội chi cho ngân sách nhà nước (được hiểu là ngân sách Trung ương), nên không liên quan đến tình trạng tồn ngân cao. Kế hoạch bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua cho năm nay là 5,3% GDP, nên việc điều chỉnh tăng hạn mức phát hành TPCP năm 2014 từ 210.000 tỷ đồng lên 232.000 tỷ đồng vẫn nằm trong kế hoạch bội chi cho phép, Bộ tài chính cho biết.
Giả thiết rằng chuyện tồn ngân, đúng như Bộ tài chính nói, là không có gì bất thường so với cùng kỳ các năm. Còn chuyện tăng phát hành trái phiếu là do Quốc hội cho phép thì cần được mổ xẻ thêm như dưới đây.
Kế hoạch phát hành trái phiếu được xây dựng từ cuối năm 2013 và được Kho bạc Nhà nước (KBNN) công bố ngày 19/2/2014, với con số 210.000 tỷ. Cứ cho là con số 210.000 tỷ này chính bằng con số bội chi ngân sách ước tính cho năm 2014. Khi Bộ tài chính và KBNN phải tăng kế hoạch phát hành thêm lên 232.000 tỷ đồng có nghĩa là có 2 khả năng xảy ra.
Khả năng thứ nhất, con số bội chi ngân sách được ước tính ban đầu, 210.000 tỷ đồng, vẫn thấp hơn mức 5,3% của GDP ước tính cho 2014 nên Bộ tài chính “tận dụng” room cho phép còn lại để tăng thêm mức phát hành. Khả năng thứ hai, GDP của Việt Nam trong năm 2014 có thể tăng cao hơn mức dự tính ban đầu, cũng làm tăng thêm room để phát hành thêm trái phiếu. Cả 2 khả năng này đều cho thấy Bộ tài chính dường như không quan tâm đến việc tiết kiệm chi tiêu mà chú trọng hơn đến chuyện càng tăng chi được thì càng tốt (thông qua tăng phát hành trái phiếu).
Thông thường, kế hoạch chi tiêu và bù đắp thâm hụt đã được xây dựng từ trước, với bao nhiêu dự án và tổng chi phí dự tính bao nhiêu v.v... Nay Bộ tài chính cho tăng khối lượng phát hành chứng tỏ Bộ đã vẽ ra, hoặc ai đó “nghĩ hộ” cho Bộ tài chính cách vẽ ra thêm hạng mục cần chi tiêu để sao cho tiêu hết số tiền thặng dư từ phát hành thêm (ngoài kế hoạch chi tiêu ban đầu). Với tư cách là “tay hòm chìa khóa” của quốc gia, Bộ tài chính lẽ ra càng phải tích cực khống chế thâm hụt (dù là nếu có tăng lên thì vẫn trong mức cho phép của Quốc hội) khi thấy thâm hụt đã ở mức báo động (dù vẫn trong “kế hoạch”!), chứ không phải “thúc” thâm hụt tăng lên khi thấy có điều kiện (tức là khi thấy vẫn còn room để tăng thâm hụt) như hiện nay!
Và dù gì chăng nữa, ít nhất thì Bộ tài chính cũng phải giải trình với chính phủ, với Quốc hội, với công luận lý do xác đáng để tăng bội chi, tăng phát hành trái phiếu chứ không phải chỉ mỗi một câu rằng khối lượng phát hành được điều chỉnh lại vẫn nằm trong kế hoạch bội chi cho phép!
Đi sâu thêm vào chi tiết kế hoạch phát hành trái phiếu mới như trong bảng dưới đây, có thể thấy một điểm đáng chú ý. Đó là con số chênh lệch 22 nghìn tỷ đồng, có sự đóng góp của 20 nghìn tỷ đồng tăng thêm ở kỳ hạn 10 năm. Vì thời điểm công bố kế hoạch phát hành mới này, hôm 29/8, xảy ra đúng một ngày sau khi chính phủ họp báo công bố dự định phát hành 1 tỷ USD (hơn 22 nghìn tỷ đồng) trái phiếu quốc tế để đảo nợ, nên câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng chính phủ điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ là vì khoản trái phiếu quốc tế dự định phát hành này?
Nếu đúng là vậy thì mục đích tăng phát hành trái phiếu năm nay có thể coi là hợp lý khi phần vốn thặng dư từ phát hành tăng thêm này được dùng để đảo nợ khoản vay 1 tỷ USD trước đây (xem bài “Có nên phát hành trái phiếu quốc tế?”). Nếu không phải vậy thì câu hỏi đặt ra là con số 1 tỷ USD dự định phát hành nằm ở đâu trong kế hoạch phát hành trái phiếu năm nay, và tổng lượng phát hành có vượt ngưỡng báo động đỏ? Thiết nghĩ, Bộ tài chính cần phải giải trình rõ ràng thêm về điểm này.
>>> Có nên phát hành trái phiếu quốc tế?
TS PHAN MINH NGỌC